Tự nhận thức (hay còn gọi là Nhận thức về bản thân) là khả năng bạn nhận biết một cách chính xác về cảm xúc của mình ngay khi nó xảy ra và hiểu mình có khuynh hướng làm gì trong tình huống đó. Tự nhận thức bao gồm việc kiểm soát được những phản ứng thông thường của bản thân đối với những sự việc, thách thức và đối tượng cụ thể. Hiểu biết thấu đáo về khuynh hướng của bản thân đóng vai trò rất quan trọng; nó giúp bạn nhanh chóng nắm bắt được cảm xúc của mình. Khả năng tự nhận thức tốt đòi hỏi bạn sẵn sàng chịu đựng sự khó chịu khi phải chú ý đến những cảm xúc đôi khi tiêu cực.

Cách duy nhất để thấu hiểu cảm xúc của mình là dành một khoảng thời gian cần thiết để suy nghĩ về chúng, nhằm tìm ra nguồn cơn và tại sao chúng lại xuất hiện. Cảm xúc bao giờ cũng có lý do của nó. Bởi cảm xúc phản ánh những trải nghiệm trong cuộc sống của bạn, và chúng luôn bắt nguồn từ một nguyên do nào đó. Đôi khi, cảm xúc như từ trên trời rơi xuống, và quan trọng là hiểu được tại sao sự việc đó lại khiến mình phản ứng như vậy. Những ai làm được việc này sẽ nhanh chóng tìm ra cốt lõi của cảm xúc. Những tình huống gây ra xúc cảm mạnh mẽ thường đòi hỏi bạn phải suy nghĩ kỹ càng, và chính việc bình tâm suy nghĩ này sẽ giúp bạn tránh được những hành động đáng tiếc về sau.

Tự nhận thức không phải là khám phá những bí mật thầm kín, đen tối hoặc những động cơ vô thức mà là phát triển một sự hiểu biết chân xác và trung thực về những điểm mạnh của bản thân. Những người có khả năng tự nhận thức cao là những người đặc biệt hiểu rõ về những gì họ làm tốt, những gì thôi thúc và khiến họ thỏa mãn, cả về những đối tượng và hoàn cảnh khiến họ phải lưu tâm.

Một điều đáng ngạc nhiên về tự nhận thức là chỉ cần nghĩ về nó thôi đã đủ giúp bạn cải thiện kỹ năng, cho dù thoạt đầu bạn có khuynh hướng tập trung vào những gì bạn làm “sai”. Đạt được khả năng tự nhận thức có nghĩa là bạn không còn sợ mình “sai lầm” trong cảm xúc nữa. Nó cho bạn biết nên làm gì khác đi và mang đến cho bạn nguồn thông tin ổn định mà bạn cần biết khi cuộc sống tiếp diễn.

Tự nhận thức là kỹ năng căn bản; một khi đã có nó, bạn sẽ vận dụng những kỹ năng trí tuệ cảm xúc khác dễ dàng hơn nhiều. Khi mức độ tự nhận thức tăng lên, sự thỏa mãn của con người trong cuộc sống – được định nghĩa là khả năng họ có thể đạt được những mục tiêu trong công việc và cuộc sống gia đình – sẽ gia tăng đột biến. Tự nhận thức đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với thành tích cá nhân, đến mức 83% những người có mức độ tự nhận thức cao là những người đứng đầu về hiệu suất công việc, và chỉ có 2% những người có kết quả làm việc kém lại có khả năng tự nhận thức cao mà thôi. Tại sao lại có chuyện như vậy? Khi bạn biết tự nhận thức, nhiều khả năng bạn theo đuổi đúng cơ hội hơn, bạn biết cách vận dụng thế mạnh của mình vào công việc và – có lẽ điều quan trọng nhất – không để cho cảm xúc ngăn trở mình.

Nhu cầu về sự tự nhận thức chưa bao giờ cao như lúc này. Từ trước đến nay, nhiều người vẫn nghĩ theo một quan điểm sai lầm rằng tâm lý học chỉ nhằm mục đích chữa bệnh, thế nên chúng ta cho rằng thời điểm duy nhất nhìn lại bản thân là lúc phải đối mặt với khủng hoảng. Chúng ta có xu hướng chấp nhận những gì mình cảm thấy thoải mái và che đậy những thứ khiến ta cảm thấy bất an. Nhưng thật ra, một bức tranh toàn cảnh mới cho ta thấy rõ mọi thứ. Càng hiểu rõ về mặt tốt đẹp và mặt hạn chế bao nhiêu thì chúng ta càng phát huy toàn bộ tiềm năng của mình tốt bấy nhiêu.

[sach_thongminhcamxuc]