Quá trình lớn lên của một đứa trẻ là quá trình nhận thức về thế giới xung quanh. Tùy thuộc vào đặc điểm của từng cá thể, mỗi em nhỏ có một góc nhìn riêng để từ đó nó soi chiếu, suy tư và hiểu về thế giới. Nói cách khác, tư tưởng và tình cảm của trẻ là yếu tố quan trọng nhất trong việc định hình cách thức chúng tiếp nhận thông tin từ thế giới xung quanh, suy nghĩ về những kinh nghiệm xảy ra cho mình và từ đó lựa chọn một cách thức phản ứng lại với những sự việc đó.


Một số trẻ sở hữu một cơ chế tư duy có tính chất xây dựng, giúp chúng chỉ chú tâm vào việc lọc ra những mặt tốt của một sự vật hiện tượng, nhờ vậy mà thấm nhuần niềm tin tích cực để có những hành động đúng đắn trong tư thế chủ động. Ví dụ, nếu mắc lỗi trong giờ học, chúng sẽ cho đó là bài học quý báu giúp chúng tự sửa mình để ngày một tốt hơn. Nếu được giao một công việc khó khăn hơn các bạn, chúng sẽ nghĩ đó là cơ hội để thử thách mình, giúp mình tiến bộ hơn các bạn.

Ngược lại, một số em nhỏ (và cả người lớn chúng ta nữa) từ một lúc nào đó đã “cài đặt” cho mình một cách nghĩ khiến chúng có khuynh hướng nhận thức và phản ứng lại với các sự việc một cách tiêu cực và trong thế bị động. Khi bị trách phạt, chúng sẽ nghĩ mình bị oan hoặc nhìn nhận bản thân là “tồi tệ”, “ngu xuẩn” hay “đáng xấu hổ”.

Cuộc đời của mỗi người là một chuỗi những biến cố. Có chuyện được ta coi là vui, có chuyện buồn, có việc đúng như ý và cũng có những việc ngoài mong muốn. Nhưng liệu có phải mỗi sự việc đều có bản chất bất biến là vui hay buồn, tốt hay xấu không? Hay cái sự vui – buồn, tốt – xấu ấy là do chúng ta gán cho sự việc? Cách hiểu thứ hai chính xác hơn vì nó bao gồm cả vai trò của chủ thể tiếp nhận sự việc ấy.

Chuỗi biến cố của cái tuổi ngày ngày cắp sách đến trường bao gồm: đạt điểm tốt, xấu hay trung bình, được thầy cô khen chê hay chẳng bao giờ được nhắc đến, được phép tham gia hay bị cấm trong một trò chơi yêu thích, ngoài ra còn những sự việc xảy ra với những người trong gia đình hoặc bạn bè, trực tiếp hoặc gián tiếp ảnh hưởng tới chúng.

Trong thực tế, nhiều người – nhất là thanh thiếu niên – không thấy được vai trò chủ động của mình, chúng đinh ninh (mà không hề kiểm chứng) rằng các sự việc xảy ra cho mình ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả và tự đồng hóa bản thân mình với kết quả. Đó là lý do tại sao nhiều đứa trẻ thường biện minh, “Thì thầy dạy dở làm sao mình thi tốt được”, “Vì cha mẹ mình không ủng hộ nên mình mới không làm được chuyện ấy chuyện nọ” hay “Gia đình mình nghèo nên mình không có cơ hội thành công như chúng bạn”.

Không cần nhìn đi đâu xa, tôi chắc bạn cũng biết không ít ví dụ về những tấm gương sáng của những đứa trẻ tự học mà vẫn đỗ đạt cao và sau này có được nhiều cơ hội lớn trong đời. Chuyện gì xảy ra với những đứa trẻ con nhà nghèo đó? Vấn đề là ở chỗ chúng không coi cái nghèo là vật cản trên con đường vươn tới thành công mà lại là cú hích để chúng nỗ lực nhiều hơn nữa.Nhà mình nghèo ư, không hề gì, điều đó chỉ có nghĩa là mình phải học chăm hơn những bạn khác mà thôi” và “Kể cả khi không thành công thì cũng thành nhân, mình đâu có gì để mất”. Dễ hiểu là với cách nghĩ như vậy, trẻ sẽ có động lực để phấn đấu không ngừng.

Vậy tại sao những đứa trẻ khác nhau, có khi cùng là anh em trong một nhà, lại có những phản ứng khác nhau với cùng một sự việc? Có phải vừa mới sinh ra đứa trẻ này đã được trao cho “cặp kính màu hồng” và nó thấy cái gì cũng tươi đẹp, còn đứa trẻ kia thì mang “kính màu đen”, việc gì cũng hiện lên trong mắt nó với màu xám xịt? Thật ra thì nhận thức của trẻ chịu ảnh hưởng rất lớn từ những người có quan hệ gần gũi với nó nhất, đặc biệt là cha mẹ và những người nuôi dưỡng chúng.

Nếu cha mẹ là những người có cách nghĩ sáng suốt, có lối sống tích cực, nếu bể yêu thương trong con cái lúc nào cũng tràn đầy, thì có nhiều khả năng chúng lớn lên thành những người lạc quan, tin tưởng và luôn giải mã thế giới theo hướng có lợi cho sự phát triển của mình.

Báo chí và những câu chuyện người thật việc thật kể cho chúng ta nghe nhiều tấm gương về những đứa trẻ sinh ra trong nghịch cảnh (bị tật nguyền, mắc những căn bệnh hiểm nghèo,…) nhưng nhờ ảnh hưởng tốt từ cha mẹ hay người thân trong gia đình – những người mạnh mẽ, biết YÊU THƯƠNG khích lệ – mà chúng có thể vượt qua mọi trở ngại để sống tốt  hơn, thậm chí còn tạo ra những kỳ tích.

CON CÁI CHÚNG TA ĐỀU GIỎI

Được viết bằng lối văn giản dị dễ hiểu, các tình huống thực tế gần gũi và dựa trên những kết quả nghiên cứu tâm lý hành vi con trẻ, quyển sách còn giúp gia đình bạn tìm được tiếng nói chung, để mỗi ngày trôi qua với bạn là những niềm vui và tiếng cười bất tận. Đây thật sự là quyển cẩm nang hữu ích giúp bạn trở thành những bậc cha mẹ tuyệt vời trong mắt con.

MUA SÁCH