Nếu chúng ta phân trẻ em ra làm hai loại: thành công và không thành công, thì điểm chung đầu tiên mà những đứa trẻ thành công cùng có là niềm tin tuyệt đối vào bản thân mình. Niềm tin vào bản thân có ý nghĩa rộng hơn sự tự tin đơn thuần. Nếu tự tin là cái thường biểu lộ ra bên ngoài qua cách ăn nói, cử chỉ dáng điệu thì niềm tin vào bản thân là sức mạnh bên trong mỗi người, bất kể chuyện gì xảy ra cũng không lay chuyển lòng tin đó. Nói cách khác, những đứa trẻ này tin rằng chúng có thể và xứng đáng đạt được những thành tích to lớn trong cuộc sống. Niềm tin ấy là động lực thúc đẩy chúng luôn đề ra những tiêu chuẩn cao cho từng chặng đường đời. Mỗi khi đối điện với khó khăn hay thất bại, niềm tin sắt son này giúp chúng kiên trì tiến bước mà không lùi lại hoặc bỏ cuộc giữa chừng.

Trong khi đó, những đứa trẻ còn lại không có niềm tin ấy vào bản thân mình hoặc nếu có cũng chỉ là sự tự tin mờ nhạt, như một đốm lửa nhỏ không có sức bốc lên thành ngọn lửa nhiệt huyết đủ để thúc đẩy chúng phải dốc sức làm cho được một việc gì đó. Nhiều em trong số này tin rằng chúng không đủ tài năng hay không hội đủ điều kiện để thành công. Thậm chí trước khi cố gắng làm bất cứ việc gì, chúng đã tặc lưỡi mà rằng, “Ôi việc này khó lắm, mình không có cửa đâu”.

Ngoài niềm tin vào bản thân thì cũng có nhiều loại niềm tin khác trong mỗi người. Những niềm tin ấy có thể mang tính tích cực, hoặc ngược lại mang tính tiêu cực. Mỗi khi chúng tôi hỏi học sinh của mình rằng, “Có bao nhiêu bạn cho rằng học rất vui?” và “Có bao nhiêu bạn tin rằng học tập rất chán?”, bao giờ cũng có những cánh tay khác nhau đưa lên cho mỗi câu hỏi.

Nếu có những em tin rằng học Toán dễ như chơi game thì lại có nhiều em cho rằng Toán là bộ môn khó nhai nhất. Một số em tin chắc mình có thể đạt điểm mười tuyệt đối nếu chịu khó học bài, lại có những em khác không dám nghĩ rằng chúng đạt điểm cao, kể cả khi có ôn bài rất kỹ đi chăng nữa.

Bạn đã bao giờ thử tìm hiểu xem con mình có những niềm tin gì xung quanh việc học tập, sự thành công và quan trọng nhất là về bản thân chúng chưa? Đó có phải là những niềm tin có tác dụng thúc đẩy chúng thành công (tích cực) hay chỉ cản trở chúng (tiêu cực)?

Nếu con bạn tin rằng học tập là mất thời gian và nhàm chán, chắc hẳn chúng sẽ giam trí tưởng tượng và óc tò mò của mình trong những gian hầm khóa kín, trong khi đó chính là những nhân tố có tác dụng thúc đẩy con người mở mang tri thức và chinh phục các đỉnh cao mới. Nếu cách đây 500 năm, Isaac Newton không tò mò tự hỏi vì sao trái táo rụng xuống thì có lẽ ông đã không tìm ra định luật Vạn Vật Hấp Dẫn. Rõ ràng, một niềm tin tiêu cực có thể kéo theo một chuỗi quan hệ nhân quả tiêu cực: việc học rất nhàm chán > bỏ hoặc học đối phó > thi rớt > khắc sâu niềm tin này… và một vòng luẩn quẩn nữa lặp lại.

Trong khi đó, nếu một đứa trẻ khác tin rằng đi học rất vui, cậu ta sẽ có khuynh hướng tham gia nhiều hơn, hăng hái hơn trong học tập và những hoạt động ở trường. Nhờ thế mà cậu có thành tích tốt, còn trường học thì thật sự trở thành sân chơi vui vẻ đối với cậu! Nói cách khác, điều mà bạn tin tưởng nhiều khi trở thành những lời dự báo đúng, cái cách bạn nhìn nhận sự việc sẽ định hình thế giới chung quanh bạn.

Nếu ví tiềm năng trong bạn như một mạch nước ngầm thì…

Niềm tin “TÔI CÓ THỂ” khơi nguồn cho dòng nước phun trào thành suối đổ ra biển lớn.

Niềm tin “TÔI  KHÔNG THỂ” ngược lại có thể ngăn chặn dòng chảy, hoặc thậm chí ngăn không cho mạch nước ngầm phát lộ.

Niềm tin của con trẻ ảnh hưởng rất nhiều đến những tiềm năng bên trong mà chúng có thể đánh thức hay để mặc cho nó ngủ vùi. Khi con bạn tin rằng chúng CÓ THỂ đạt toàn điểm mười, chúng sẽ phát huy toàn bộ nội lực bên trong để hành động, trong trường hợp này nghĩa là học miệt mài không quản khó khăn. Chúng sẽ đề ra cho mình những mục tiêu cao hơn, ví dụ trở thành học sinh giỏi nhất khối, làm thêm nhiều bài tập hoặc nghe giảng chăm chú hơn. Vậy cuối cùng chúng có trở thành học sinh giỏi nhất khối không? Có thể có hoặc có thể không, chẳng có gì đảm bảo 100% cả. Dẫu vậy, kết quả mà chúng đạt được (học sinh xuất sắc) vẫn là một bước tiến dài so với điểm xuất phát. Bao giờ cũng vậy, khi con bạn nỗ lực làm một việc gì đó, chúng sẽ khơi nguồn cho những tiềm năng thật sự trong bản thân chúng.

Khi con trẻ có niềm tin sai lầm như “Tôi không thể học giỏi Toán”, “Đầu tôi rỗng như quả bí”, “Trí nhớ của tôi kém lắm”, “Lịch sử là môn học chán chết” hay “Tôi không thể làm được việc gì ra hồn cho dù cố gắng đến mấy”, bạn có thể chắc chắn một điều là chúng sẽ không bao giờ cố gắng và chỉ nhận được những kết quả tầm thường nếu không muốn nói là tệ hại.

Nói cách khác, niềm tin mạnh mẽ thúc đẩy người ta hành động với sự cố gắng lớn hơn. Nỗ lực lớn hơn sẽ mở toang cánh cửa để tiềm năng được giải phóng và tận dụng tối đa, dẫn tới kết quả tốt hơn. Khi người ta bắt đầu nhận được kết quả tốt hơn, kết quả ấy sẽ quay lại củng cố niềm tin về bản thân họ, nâng họ lên một tầm cao mới. Và cứ thế. Một lần nữa, niềm tin trở thành lời dự báo chính xác cho kết quả cao hơn đạt được trong tương lai.

“Dù bạn tin rằng mình có thể làm được hay không thể làm được, thì cách nghĩ nào cũng đúng.”

– Henry Ford

Niềm Tin Từ Đâu Mà Có?

Câu hỏi được đặt ra, tại sao đứa trẻ này có những niềm tin thúc đẩy nó đi tới, trong khi đứa trẻ khác lại mang trong lòng những cách nghĩ trói buộc nó lại? Trước khi trả lời câu hỏi này, chúng ta cần biết một sự thật rằng niềm tin của trẻ chịu ảnh hưởng từ nhiều luồng khác nhau: cha mẹ, người thân, thầy cô, bạn bè và kinh nghiệm trong quá khứ. Trên tất cả, chúng ta – những người làm cha làm mẹ – mới là người đóng vai trò lớn nhất và quyết định nhất trong việc hình thành niềm tin của con cái. Tại sao ư, vì cha mẹ là người có điều kiện gần gũi với con cái nhất, có thời gian ở bên con nhiều nhất, có quyền hạn lớn nhất, yêu thương chúng và cũng đòi hỏi ở chúng nhiều nhất.

Thế thì bây giờ câu trả lời thuộc về bạn!

Có thể nói những lời lẽ chúng ta dùng, thái độ cử chỉ khi ta giao tiếp với con cái giống như những hạt giống (tốt và xấu) được gieo xuống đất và dần dần hình thành những niềm tin của con cái về thế giới bên ngoài và về bản thân chúng. Ví dụ, nếu bạn thường xuyên cho rằng con mình thuộc hạng hư hỏng hay lười biếng, chẳng bao lâu sau chúng sẽ tin rằng MÌNH lười biếng và hư hỏng thật. Đây là cách con cái bắt đầu và củng cố những hình ảnh tiêu cực về bản thân. Cũng vậy, nếu chúng ta đưa ra những nhận xét như “Việc đơn giản đến đứa lên ba cũng hiểu mà con lại không hiểu được sao?”, đứa trẻ sẽ bắt đầu tin rằng mình ngu dốt thậm tệ vì không thể hiểu cả những việc đơn giản nhất. Khi ta lặp đi lặp lại với trẻ câu hỏi, “Con có bị làm sao không vậy?”, chúng sẽ bắt đầu phát sinh cách nghĩ là mình có vấn đề.

Kinh Nghiệm Của Bản Thân Tôi Về Niềm Tin

Khi con gái Kelly của tôi còn nhỏ, cháu thường hay lấy bút chì màu vẽ lên tường. Vợ chồng tôi bèn nói với con bé là nó không được vẽ bậy lên tường nữa, nếu không chúng tôi sẽ tịch thu hộp bút chì màu của nó. Người giúp việc của chúng tôi, do không có kiến thức về tâm lý trẻ em, thường mắng, “Đồ con gái hư! Hư quá đi!” bất cứ khi nào chị thấy cô bé vẽ lên tường. Chị ta không nhận ra rằng, với việc nói đi nói lại cô bé hư, đứa trẻ sớm tin rằng nó hư thật và bắt đầu cư xử đúng với quan điểm đó. Trẻ em luôn sống đúng với những mong muốn của cha mẹ hoặc người nuôi dưỡng chúng.

Nhiều bậc cha mẹ không nhận ra rằng họ đã vô tình gieo những niềm tin sai lạc cho con cái thông qua ngôn từ mà mình sử dụng. Mới gần đây trong lần đưa con gái tôi Samantha ra sân chơi, tôi để ý đến một cậu bé năm tuổi chạy tới chân cầu trượt và bắt đầu leo lên. Mẹ cậu đang đứng phía sau lập tức la lên, “Xuống ngay! Xuống ngay! Té chết bây giờ!”.

Bạn có nghĩ là câu cảnh báo của người mẹ có tác động đến con trai không? Có đấy, nếu lặp đi lặp lại nhiều lần, nó sẽ ấn định một niềm tin sai lầm rằng mỗi khi cố vượt qua một thử thách nào đó, nó sẽ lãnh hậu quả xấu. Có một cách nói vừa giúp bảo đảm an toàn cho cậu bé vừa cho cậu cơ hội thử thách bản thân và tạo dựng niềm tin: “Con có thể leo lên nhưng hãy cẩn thận” và người mẹ có thể canh chừng cho con từ phía sau.

Giúp Củng Cố Niềm Tin Mạnh Mẽ Trong Con Cái, Tức Là Giúp Chúng Miễn Dịch Với Những Ảnh Hưởng Tiêu Cực Từ Bên Ngoài

Khi bạn củng cố niềm tin của con cái vào bản thân chúng bằng những câu nói khích lệ như, “Mẹ biết con sẽ làm được!”, “Ba tin con sẽ làm tốt hơn vào lần sau”, hoặc “Con sẽ là người chiến thắng!” hoặc “Nếu con cố gắng hết sức, con sẽ đạt được bất cứ thứ gì” hoặc “Ba mẹ tin con”, bạn giúp chúng miễn dịch với những ảnh hưởng tiêu cực từ bên ngoài.

Theo các nhà tâm lý học, những đứa trẻ lớn lên trong không khí gia đình hòa thuận và thường xuyên tiếp nhận thông tin phản hồi tích cực, có lòng tin vào bản thân mình cũng như ít có khả năng bị tác động từ những kinh nghiệm xấu hoặc những nhận xét, đánh giá tiêu cực từ bạn bè, thầy cô. Chúng cũng có khả năng miễn nhiễm cao trước tác động của bọn người xấu trong xã hội.

Nhiều năm trước, tôi có một người bạn lãnh điểm hai trong bài kiểm tra môn Toán mặc dù anh ấy học hành chăm chỉ. Điều đáng ngạc nhiên là thay vì cảm thấy mình ngu dốt hay nhụt chí mà bỏ cuộc, anh vẫn giữ vững lòng tin, thậm chí học chăm chỉ hơn để rút kinh nghiệm từ sai lầm. Cuối cùng anh ấy đạt điểm mười trong kỳ thi cuối năm. Sau này, tôi mới phát hiện ra rằng, đó là vì cha mẹ anh ấy luôn đứng bên con, tin tưởng con, khích lệ con và dạy con không bao giờ bỏ cuộc. Điểm khác biệt là ở chỗ đó!

Cha Mẹ Cần Làm Gì Để Giúp Con Có Niềm Tin Tích Cực?

Trước Tiên, Cha Mẹ Hãy Là Người Gieo Mầm Niềm Tin Tích Cực

Thay vì ngồi khoanh tay mong đợi con cái tự cải thiện hành vi và kết quả học tập, làm cha mẹ chúng ta hãy khởi đầu trước bằng cách giúp chúng thay đổi niềm tin về bản thân. Nếu chúng tiếp tục nuôi dưỡng những niềm tin sai lầm thì tất cả những lời cằn nhằn, la mắng hay khuyên bảo cũng chẳng ích gì. Chúng ta hãy bắt đầu bằng việc giúp đỡ con cái đánh bật những niềm tin tiêu cực.

May thay, cha mẹ hay người nuôi dưỡng bao giờ cũng là người có ảnh hưởng lớn nhất đến niềm tin của con cái, nên bạn còn chần chờ gì nữa mà không đi những bước đầu tiên trong việc gieo vào tâm hồn trẻ những hạt giống của niềm tin tích cực rằng chúng đủ sức và đủ lực đi đến những vinh quang trong cuộc sống.

Nhưng trước khi gieo hạt giống tốt xuống, tương tự như người nông dân, bạn cần nhổ sạch cỏ dại để có đất cho hạt giống phát triển. Tức là đánh bật những niềm tin tiêu cực ra khỏi tâm trí trẻ.

Dẹp Bỏ Niềm Tin Tiêu Cực Bằng Cách Loại Trừ Các “Bằng Chứng” Liên Quan Đến Nó

Có nhiều bước mà cha mẹ có thể tiến hành để giúp trẻ xóa bỏ những rào cản tinh thần đang giam hãm tiềm năng của chúng. Đầu tiên, bạn cần xác định rõ con bạn hiện có suy nghĩ tiêu cực gì. Chẳng hạn, chúng nghĩ gì về học tập, về cuộc sống và những việc khác. Cách tốt nhất để thực hiện việc tìm hiểu này là hãy thường xuyên chú ý đến những gì chúng nói. Qua cách lắng nghe không chỉ trích, bạn dần dần nhận diện được những niềm tin và cách nghĩ tiêu cực nơi trẻ.

Qua kinh nghiệm làm việc với các học sinh đủ mọi lứa tuổi, chúng tôi khám phá ra rằng hầu hết bọn trẻ có cách nghĩ rất tiêu cực như “người khác làm được việc đó, riêng mình thì không”. Chúng tin rằng những đứa bạn đạt điểm cao hơn và thành công hơn vì “chúng nó” thông minh hơn, giỏi giang hơn hoặc được ưu đãi hơn (ví dụ, được thầy cô ưu ái hơn).

Chúng cũng có cách nghĩ sai lầm khác như, “mình mắc bệnh lười biếng”, “môn tiếng Anh quá khó”, “cô giáo dạy dở nên mình không thể học giỏi được”, “trí nhớ của mình quá kém” hay “mình hơi bị ngu lâu thì phải”. Những niềm tin tiêu cực này xoay quanh một vấn đề: chúng cảm thấy bản thân mình không có khả năng kiểm soát kết quả, mà chính những yếu tố bên ngoài (như thầy cô dạy dở, chỉ số thông minh (IQ) thấp, trí nhớ kém, môn học chán, đề thi khó, áp lực và sự thiếu tập trung…) mới là những yếu tố quyết định thành bại trong sự học của chúng.

Cha mẹ có thể làm cách nào để giúp con cái thay đổi những niềm tin xấu đang giới hạn khả năng phát triển của chúng không? Khuyên bảo hoặc ép buộc chúng tin vào điều ngược lại rõ ràng không có tác dụng. Nếu con bạn nghĩ rằng môn Toán khó và bạn cứ khẳng định rằng “Không! Môn Toán dễ ợt”, thử hỏi chúng nghĩ thế nào? Chúng sẽ cho rằng bạn vô lý, không những không hiểu chuyện mà còn độc đoán bắt chúng phải nghĩ theo mình nữa. Chúng sẽ có cảm giác ngờ ngợ rằng suy nghĩ và tình cảm của chúng bị xem nhẹ. Hoặc tệ hơn, chúng cảm thấy mình “hết thuốc chữa” vì “môn học dễ như bỡn vậy mà cũng không học được”.

Chúng tôi có một cách. Khi trao đổi với những em có cách nghĩ sai lầm này, việc đầu tiên chúng tôi làm là công nhận và bày tỏ sự thông cảm với lý do tại sao chúng nghĩ như thế. Chắc bạn còn nhớ trong chương trước, chúng ta đã thống nhất với nhau rằng trước hết, cần phải tôn trọng nhận thức về thế giới của con trẻ. Một khi quan điểm riêng của chúng được tôn trọng, chúng sẽ trở nên cởi mở hơn, dễ tiếp thu quan điểm và những gợi ý của chúng ta hơn.

Sau khi đã tạo dựng được mối quan hệ tương tác hai chiều với con, bạn sẽ có cơ hội tìm hiểu tại sao chúng lại có những niềm tin như thế. Những dữ kiện nào dẫn tới sự hình thành và củng cố những niềm tin đó? Ví dụ, con gái bạn có thể nghĩ rằng nó dốt Toán vì bị điểm một trong bài kiểm tra, mặc dù nó đã cố gắng học bài.

Có một cách để bứng tận gốc niềm tin tiêu cực, đó là loại trừ những dữ kiện liên quan làm phát sinh niềm tin đó. Một niềm tin sai lầm chỉ tồn tại khi còn có những dữ kiện trong quá khứ hay hiện tại “nuôi sống” nó. Khi dữ kiện ấy tỏ ra không còn giá trị xác thực nữa, niềm tin ấy sẽ ”không có cái ăn mà … chết”.

Hẳn trong đời mình bạn đã từng hết lòng tin tưởng vào một cái gì đó nhưng bây giờ bạn không còn tin nữa. Vậy cái gì đã thay đổi niềm tin ấy trong bạn? Rất có thể có một chuyện gì đó đã xảy ra, thử sức bền của dữ kiện cũ và đánh bật niềm tin đó.

Chẳng hạn chúng tôi gặp một học sinh tin rằng: cậu không thể nào giàu nổi vì cha mẹ cậu “nghèo rớt mùng tơi” nên họ không thể mang lại cho cậu cơ hội cũng như điều kiện vật chất để giúp cậu khởi nghiệp thành công. Họ hàng xa gần của cậu cũng nghèo nốt và họ luôn miệng than thở về vận rủi và cảnh thiếu trước hụt sau. Tất cả những điều này là những yếu tố liên quan nuôi dưỡng niềm tin đó của cậu.

Thế là chúng tôi đưa vào chương trình đào tạo một nội dung: kể chuyện có thật về những người lớn lên trong cảnh bần hàn nhưng lại trở nên giàu có, thậm chí còn giàu hơn cả những người may mắn sinh ra trong dòng họ giàu có đến ba đời. Những con số thống kê cho biết 80% số triệu phú xuất thân từ gia đình trung lưu hoặc nghèo khó; trong khi chỉ 20% số triệu phú được thừa hưởng tài sản kếch xù và vị thế từ cha mẹ. Điều này cũng khá dễ hiểu: những người sinh ra trong gia đình nghèo có khát vọng thành công lớn hơn, có động lực vươn lên mạnh mẽ hơn những người sống trong cảnh “muốn gì được đó”. Bằng cách đưa ra các ví dụ phản biện, chúng tôi loại trừ các dữ kiện hỗ trợ cho niềm tin tiêu cực – “Con vua thì lại làm vua. Con sãi ở chùa lại quét lá đa.” – của cậu bé ấy.

Vì thế, để giúp con bạn loại bỏ niềm tin tiêu cực, hãy đưa ra những bằng chứng xác thực và ví dụ phản biện để tự chúng nhận thấy niềm tin của mình không có cơ sở. Nếu con bạn tin rằng chúng không thể làm được một việc gì đó, hãy giúp chúng nhớ lại những thử thách mà chúng đã vượt qua trong quá khứ. Nếu chúng nghĩ rằng trí nhớ của chúng quá kém, hãy giúp chúng nhớ lại tất cả những lần chúng học và nhớ bài một cách dễ dàng.

Một lần tôi gặp một học sinh cho rằng cậu có trí nhớ kém, vì thế cậu mới “đội sổ”. Tôi đưa ra mấy câu dò hỏi và phát hiện rằng cậu đam mê máy bay chiến đấu và cậu thật sự có thể nhớ được tất cả các mô hình khác nhau đến từng chi tiết như kích thước, kiểu dáng, năm sản xuất… Thế là chúng tôi dùng phát hiện này như một dữ kiện phản biện hoàn hảo rằng thật ra cậu sở hữu một trí nhớ phi thường.

Vấn đề nằm ở chỗ, một số phụ huynh thay vì dùng dữ kiện phản biện để gạt bỏ niềm tin tiêu cực của con cái lại vô tình làm mạnh hơn niềm tin ấy bằng cách củng cố các sự việc liên quan. Một số người thường “vô tư” nhận xét, “Sao mà con hay quên thế? Đây đâu phải là lần đầu tiên. Năm ngoái con quên mang theo hộ chiếu lúc nhà mình đi du lịch, tuần trước con quên áo khoác ở nhà nội, hôm qua quên tắt máy lạnh, bây giờ lại quên…”.

Một lần nữa tôi xin nhấn mạnh, nếu chúng ta muốn thay đổi hành vi của con cái (ví dụ: động viên con cẩn thận hoặc chăm chỉ hơn), trước tiên chúng ta phải làm yếu đi những niềm tin sai lầm đang trói buộc chúng với những thói quen cũ này.

Cha Mẹ Cần Gieo Những Niềm Tin Tích Cực Gì Cho Con Trẻ?

Song song với việc nhổ tận gốc những niềm tin sai trái, cha mẹ phải truyền những niềm tin đúng đắn cho con cái để thúc đẩy chúng vươn tới thành công. Sau nhiều năm tiếp xúc với các em đạt thành tích cao trong trường học, chúng tôi phát hiện ra rằng những em này có chung một tập hợp các niềm tin đúng đắn giúp chúng tận dụng tối đa tiềm năng của mình. Hai trong số những niềm tin tích cực nhất của chúng là…

Niềm Tin Thứ nhất: Tất Cả Mọi Người Đều Có Tiềm Năng Như Nhau. Nếu Anh Làm Được Thì Tôi Cũng Làm Tốt. Vấn Đề Là Ở Phương Pháp.

Những học sinh kém tin rằng chúng không thể đạt được những gì các bạn khác có thể dễ dàng đạt được. Rằng đó là vì chúng không đủ thông minh, không đủ khéo léo hay không có những điều kiện cần và đủ.

Trái lại, những đứa trẻ thành công thì tin chắc rằng mọi người ai cũng có cơ hội thành công như nhau. Nếu người khác làm được, chúng cũng làm được. Vấn đề chỉ nằm ở phương pháp. Điểm mười tuyệt đối không phải chỉ dành cho một số ít người mà là cho tất cả mọi người, chỉ cần tìm được cách học đúng mà thôi.

Bên cạnh việc liên tục nhấn mạnh rằng: “Con có thể làm được bất kỳ việc gì với một phương pháp đúng”, cách tốt nhất để gầy dựng niềm tin mới này cho con bạn là phải chứng minh cho chúng thấy rõ điều đó. Nếu con bạn nghĩ rằng chúng có trí nhớ kém, hãy khuyến khích chúng học các kỹ thuật ghi nhớ siêu đẳng (mà chúng tôi đã đề cập trong chương 2) và chúng sẽ ngạc nhiên lắm lắm khi thấy mình thật sự có thể ghi nhớ các sự kiện và con số… không chê vào đâu được.

Một vài năm trước, chúng tôi làm việc với một học trò tin rằng cậu không thể đánh vần được. Khi chúng tôi dạy cậu phương pháp đánh vần bằng mắt, cậu đã sửng sốt khi thấy rằng cậu có thể đánh vần xuôi và ngược những từ dài tới 12 ký tự. Việc này hoàn toàn thay đổi niềm tin cũ của cậu. Một cách để củng cố niềm tin tích cực trong con cái là sử dụng khẩu hiệu “Nếu Người Khác Làm Được, Tôi Cũng Làm Được!”.

Niềm Tin Thứ Hai: Tôi Có Thể Lựa Chọn Làm Người Thành Công Hay Kẻ Thất Bại

Nhiều người bình thường tin chắc như đinh đóng cột rằng họ sinh ra đã là những “trâu chậm uống nứơc đục” hay “thất bại” và rằng họ không có khả năng giành thắng lợi. Khi được hỏi tại sao họ lại chắc chắn như thế, họ thường đưa ra những lý do như, “Kết quả của tôi bao giờ cũng tệ hơn người khác”, “Tôi chẳng bao giờ làm được việc gì hay ho cả” hoặc “Tôi suốt đời thua anh kém chị trong tất cả mọi chuyện”, “Những việc như thế khiến tôi thành kẻ thất bại”.

Một trong những điều mà chúng tôi thường xuyên nhắc nhở học sinh của mình là, chính chúng chứ không phải ai khác là người đưa ra chọn lựa làm người thành công hay kẻ thất bại. Tôi cũng bảo chúng rằng những gì xảy ra trong quá khứ không phải là yếu tố quyết định việc chúng có về đích hay không, mà chính cách chúng suy nghĩ và hành động mới quyết định chúng chiến thắng hay thua cuộc.

Trong thực tế, người thành công cũng có lúc thất bại chứ, đôi khi còn thất bại ê chề nữa là khác… vì họ làm nhiều việc hơn và cao vọng cũng nhiều hơn. Khác nhau ở chỗ là khi gặp thất bại hoặc kết quả không như ý, họ cho đó là bài học đáng giá và tiếp tục hành động cho đến khi thành công mới thôi. Kẻ thất bại, trái lại, chưa kịp bắt đầu đã vội tháo chạy. Có một câu thành ngữ về những người này: “Ra đường mới vấp phải chiếc lá đã vội quay về”.

Kẻ thất bại là những người có khuynh hướng tìm cớ biện minh, quy trách nhiệm cho người khác và than phiền luôn miệng. Ví dụ, nếu thi rớt, họ có cả đống lý do như: “Tôi không có thời gian học”, “Bài thi lần này khó quá”, “Môn học chán chết”, và thậm chí cả…  “Ra ngõ gặp gái nên… xui”. Bằng việc đổ lỗi cho người khác hoặc cho hoàn cảnh và viện đủ lý do, kẻ thất bại để cho người khác và những gì xảy ra chung quanh quản lý cuộc đời họ, còn họ thì không liên quan. Kết quả, họ không có khả năng thay đổi việc gì! Chỉ cảm thấy bất lực và vô vọng.

Ngược lại, người thành công là những người dám lãnh hết trách nhiệm về hành vi và hậu quả của mình. Nếu không làm được việc gì (ví dụ như thi rớt), họ không cho là vì cô giáo giảng bài khó hiểu, môn học khô khan hay bài thi vừa dài vừa khó. Thay vì làm thế, họ chịu trách nhiệm cho sự thật rằng họ đã không học hết bài vở hoặc phương pháp học tập của họ chưa ổn. Chính tinh thần chịu trách nhiệm này khiến họ giành lại cơ hội thay đổi kết quả theo cách họ muốn.

Do đó, bạn hãy thường xuyên củng cố cách nghĩ trong con bạn rằng: làm một người thành công hay thất bại LÀ SỰ LỰA CHỌN CỦA CHÚNG chứ không phải của bất cứ ai khác. Hãy truyền thụ cho con cái niềm tin rằng: chỉ khi nào chúng chịu trách nhiệm cho kết quả của mình (thay vì quy cho các yếu tố khác), chúng mới có khả năng làm chủ đời mình. Hai câu nói đầy sức mạnh mà chúng tôi sử dụng để truyền đạt niềm tin này là:

“Để mọi việc thay đổi, tôi phải thay đổi trước.”

“Tôi có sự lựa chọn của mình và tôi chọn thành công.”

CON CÁI CHÚNG TA ĐỀU GIỎI

Được viết bằng lối văn giản dị dễ hiểu, các tình huống thực tế gần gũi và dựa trên những kết quả nghiên cứu tâm lý hành vi con trẻ, quyển sách còn giúp gia đình bạn tìm được tiếng nói chung, để mỗi ngày trôi qua với bạn là những niềm vui và tiếng cười bất tận. Đây thật sự là quyển cẩm nang hữu ích giúp bạn trở thành những bậc cha mẹ tuyệt vời trong mắt con.

MUA SÁCH

CON CÁI CHÚNG TA ĐỀU GIỎI

Được viết bằng lối văn giản dị dễ hiểu, các tình huống thực tế gần gũi và dựa trên những kết quả nghiên cứu tâm lý hành vi con trẻ, quyển sách còn giúp gia đình bạn tìm được tiếng nói chung, để mỗi ngày trôi qua với bạn là những niềm vui và tiếng cười bất tận. Đây thật sự là quyển cẩm nang hữu ích giúp bạn trở thành những bậc cha mẹ tuyệt vời trong mắt con.

MUA SÁCH