Ở chương trước, chúng ta đã cùng nhau làm rõ một điểm rằng, bọn trẻ bị thúc đẩy bởi thế giới tình cảm nhiều hơn là những lý lẽ và lập luận logic. Điều này lý giải tại sao nhiều người trẻ vẫn tiếp tục làm những việc điên rồ, trong khi nhận thức rất rõ rằng đó là những việc chỉ dẫn đến sự tự hủy hoại bản thân. Do đó, nếu muốn điều chỉnh chúng và làm cho mọi việc khác đi, chúng ta cần phải hiểu rõ thế giới tình cảm của con trẻ và những cảm xúc thường chi phối, thúc đẩy chúng hành động hay không hành động. Chỉ có như vậy, cha mẹ mới có thể tận dụng những cảm xúc này để “lèo lái” suy nghĩ và hành động của con cái theo đúng hướng.

Chúng tôi khám phá ra năm loại nhu cầu cảm xúc chính thúc đẩy hoặc xui khiến những quyết định và hành vi của trẻ. Đó là:

Nhu Cầu Cảm Xúc 1 và 2: Nhu Cầu Được Yêu Thương Và Được Chấp Nhận

Một trong những nhu cầu cảm xúc mạnh mẽ nhất của bọn trẻ (và cả người lớn chúng ta nữa) là mong muốn tha thiết được yêu thương và được chấp nhận hoàn toàn như chúng vốn thế chứ không buộc phải cố làm như thế. Sâu thẳm tận đáy lòng, tất cả mọi người, già cũng như trẻ, đều khao khát nhận được tình thương yêu và sự chấp nhận của những người xung quanh ta, mà trước hết là những người thân trong gia đình.

Chính những nhu cầu thiết yếu này tạo thành động lực thúc đẩy bọn trẻ tham gia vào các nhóm bạn bè, tuân theo các quy tắc xã hội, phát triển tình bạn, quan hệ với bạn khác giới và bắt chước những khuôn mẫu hành xử của người khác.

Cái Gì Tạo Nên Một Đứa Trẻ Tích Cực, Vui Vẻ Và Đầy Nhiệt Huyết? Đó Là “Bể Yêu Thương” Tràn Đầy

Nhà tâm lý học nổi tiếng, Tiến sĩ Gary Chapman, trong quyển sách của mình có tựa đề “Năm Ngôn Ngữ Yêu Thương” (The Five Love Languages), đã nói rằng mỗi người chúng ta đều có một “cái bể chứa đựng những yêu thương”. Khi đứa trẻ được ủ trong không khí dạt dào tình thương và luôn nhận được sự chấp nhận của những người xung quanh, bể yêu thương của nó sẽ luôn ĐẦY ĂM ẮP.

Những đứa trẻ với bể yêu thương ĐẦY ẮP này luôn có cảm giác tự hào về bản thân, ý thức được giá trị của mình và tin vào bản thân mình. Chính điều này sẽ giúp chúng trở nên vui vẻ, tích cực và hăng hái.

Bể Yêu Thương Khô Cạn Sẽ Dẫn Đến Những Vấn Đề Về Hành Vi

Khi một đứa trẻ không cảm nhận được tình yêu thương và phải liên tục nhận những lời phản đối, la rầy hay chỉ trích, bể yêu thương trong chúng sẽ trở nên khô cạn. Những đứa trẻ kém may mắn này dần dần có thái độ bất mãn, tiêu cực và dửng dưng với nỗi đau của người khác. Thái độ này sẽ dẫn đến đủ loại hành vi có vấn đề như kết băng đảng với lũ bạn xấu (để có cảm giác mình quan trọng hơn trước mắt người khác), chơi bời lêu lổng (để khỏa lấp cái bể khô cạn trong lòng) hoặc bàng quan với hầu hết mọi sự trong cuộc sống hàng ngày,“Sao tôi phải quan tâm? Dù sao thì cũng đâu có ai thèm biết đến tôi cơ chứ?”.

Báo Động Cấp 1: Bể Yêu Thương Của Con Bạn Có Thể Cạn Kiệt Lúc Nào Không Biết

Trong đời mình hầu như tôi chưa từng trao đổi với bậc cha mẹ nào mà không yêu thương con cái, chỉ là mức độ ít hơn hay nhiều hơn thôi. Cả bạn nữa, người mà tôi có thể chưa từng gặp nhưng chỉ riêng việc bạn dành thời gian để đọc quyển sách này đã nói lên điều đó. Oái oăm thay, dù chúng ta cho con cả đại dương tình cảm, vậy mà cái bể nho nhỏ trong lòng chúng vẫn có thể trong tình trạng khô kiệt!

Vấn đề là ở chỗ mặc dù yêu thương con cái, cho con những điều mà mình nghĩ là tốt nhất, nhiều người không biết cách bày tỏ sự quan tâm để con mình cảm nhận được tình thương sâu đậm đó. Bạn hãy nhớ rằng, cách cha mẹ và con cái nhận thức về thế giới rất khác nhau. Những điều mà chúng ta cho con xuất phát từ tình yêu, nhưng dưới ánh mắt của con cái có thể không được nhìn nhận là tình yêu.

Thực tế cho thấy, trong đa số các trường hợp thường là nhận thức trái chiều. Khi bạn vì sốt ruột trước một biểu hiện sai trái nào của con mà la mắng chúng thì chúng chỉ thấy một điều: sự thất vọng giận dữ của bạn, và suy luận rằng bạn không thương yêu chúng, ghét bỏ chúng. Thậm chí kể cả khi bạn lên tiếng nói rằng bạn yêu thương con, chưa chắc gì chúng đã tin bạn. Chúng chỉ tin vào cái mà chúng thấy là ánh mắt giận dữ và vẻ thất vọng trên khuôn mặt bạn. Tiếc thay, sự thất bại trong việc bày tỏ tình cảm của bên cho và việc giải mã ký hiệu của bên nhận thường là mấu chốt trong hầu hết những vấn đề nảy sinh trong quan hệ giữa cha mẹ và con cái.

Vậy nên

Việc Bạn Yêu Thương Con Cái Việc Con Cái Cảm Nhận Được Tình Thương Ấy

Thật Ra, Cái Gì Thường Làm Cạn Bể Yêu Thương Trong Con Bạn?

Nhiều phụ huynh vô tình làm những việc hoặc nói những lời mà họ nghĩ là biểu lộ tình thương yêu quan tâm của mình. Nhưng thật không may, chính những việc này lại làm cạn bể tình yêu trong con cái, khiến chúng cảm thấy mình không được yêu thương, không được chấp nhận, thậm chí bị ghét bỏ.

1. So sánh con với anh/chị/em hoặc đứa trẻ khác

“Sao con không giữ phòng ốc gọn gàng như chị con?”

“Thằng Tom vừa được nhận giấy khen, còn con thì sao?”

“Anh con chăm chỉ học hành thế mà con …”

Nghe những lời này, trẻ có xu hướng nghĩ rằng, “À thì ra mẹ thương chị hơn mình nhiều. Mình không phải là đứa con ngoan mà cha mẹ hài lòng. Chắc họ chỉ ước gì mình là một người khác. Họ không chấp nhận con người của mình”.

2. Chỉ trích và “vạch lá tìm sâu”

Nhiều phụ huynh cố gắng thay đổi hành vi của con bằng cách liên tục chỉ trích hành vi của chúng hoặc bới móc lỗi lầm của chúng.

“Con bị cái gì vậy?”

“Sao con không thể làm tốt được việc gì cả?”

“Sao con lúc nào cũng quên trước quên sau?”

“Vấn đề của con là con không chịu nghe lời người lớn!”

“Con chẳng chịu giúp mẹ việc nhà gì cả. Sao con lúc nào cũng thế?”

Hiển nhiên, cách thức này không những khiến trẻ cảm thấy không được yêu thương, bị phủ nhận sạch trơn mà lâu dần sẽ khắc sâu trong chúng cảm giác về sự vô dụng, tệ hại của bản thân.

3. Đánh đòn và mắng chửi

Không cần phải nói bạn cũng biết, đánh đập (thượng cẳng chân hạ cẳng tay hoặc dùng đòn roi) cũng như chửi mắng và dán cho con cái những cái nhãn tệ hại như “đồ vô dụng”, “đồ ngu như con heo”, “đồ hư hỏng”… là biện pháp rút kiệt bể yêu thương của con bạn mạnh nhất, ví như cái máy bơm một trăm mã lực.

Báo Động Cấp 2: Khi Con Trẻ Không Cảm Thấy Được Cha Mẹ Yêu Thương Và Chấp Nhận, Chúng Thường Đi Tìm Điều Đó Ở Nơi Khác Có Thể Không Tốt Cho Chúng

Điều nguy hiểm nhất là khi bọn trẻ không cảm thấy được chấp nhận và yêu thương trong chính gia đình mình, chúng sẽ có khuynh hướng tìm kiếm điều đó ở những nơi khác, chẳng có gì đảm bảo là tốt cho chúng.

Nhu cầu được yêu thương và chấp nhận là nhu cầu đứng thứ ba trong thang bậc nhu cầu cơ bản của con người đã được nhà tâm lý học Maslow lập ra. Nó chỉ đứng sau nhu cầu vật chất có ăn có mặc và nhu cầu về sự an toàn. Vì thế, một khi không được thỏa mãn cảm giác được yêu thương và chấp nhận, trẻ sẽ có khuynh hướng đi tìm điều đó ở bất cứ đâu, kể cả khi việc đó gây hại cho chúng. Nhu cầu lấp đầy bể yêu thương xui khiến, rủ rê bọn trẻ tham gia vào các băng nhóm xấu, trở thành nạn nhân của những tệ nạn xã hội như ma túy, quan hệ tình dục trong tuổi vị thành niên, và bị lôi kéo vào những con đường lầm lạc, tha hóa.

Trong chương kế tiếp, chúng tôi sẽ hướng dẫn bạn cách bày tỏ tình yêu thương và sự bao dung với con trẻ để làm đầy bể yêu thương của con cái, giúp chúng biết đánh giá đúng bản thân mình và gầy dựng mối quan hệ gắn bó, bền vững với chúng. Thậm chí bạn còn biết được cách khiển trách và kỷ luật con cái trong khi vẫn làm cho chúng cảm nhận và đánh giá đúng tình cảm thật sự mà bạn dành cho chúng.

Nhu Cầu Cảm Xúc 3 Và 4: Nhu Cầu Cảm Thấy Mình Quan Trọng Và Được Nhìn Nhận

Bên cạnh nhu cầu được cảm thấy yêu thương và chấp nhận, bọn trẻ còn có một khao khát mãnh liệt là được cảm thấy mình quan trọng và được người khác đánh giá, nhìn nhận đúng. Tất cả mọi đứa trẻ đều khao khát trở thành “một ai đó” chứ không phải “không là ai cả”.

Nhu cầu được cảm thấy mình quan trọng và được nhìn nhận là nguồn lực thúc đẩy bọn trẻ giúp đỡ người khác, tình nguyện làm công tác xã hội, đạt điểm tối đa, tham gia các cuộc thi đấu và giành vị trí đứng đầu. Nhưng chỉ cần chệch đi một chút, nó cũng đẩy nhiều đứa trẻ vào hành vi phá phách, ngỗ ngược, thậm chí nổi loạn. Khi chúng tôi tổ chức khoá học “ThiếuNhi Siêu Đẳng” và “Tôi Tài Giỏi, Bạn Cũng Thế!”, có hàng trăm học viên cũ tình nguyện làm trợ lý cho huấn luyện viên để giúp đỡ đào tạo lớp học sinh mới.

Nhiều phụ huynh thắc mắc với tôi về hiện tượng con mình “việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng”. Chẳng là con họ vui vẻ hy sinh năm ngày nghỉ hè quý giá để xung phong hỗ trợ chương trình, làm việc cần mẫn từ tám giờ sáng đến 12 giờ khuya mỗi ngày (công việc đòi hỏi cố gắng rất cao) trong khi chúng không thèm bỏ ra nửa tiếng để quét dọn phòng mình.

Lý do rất rõ ràng (tôi biết rõ là vì trước đây tôi cũng từng như thế), với tư cách là trợ lý huấn luyện cho các khoá học, những cô cậu “vác tù và hàng tổng” này được đàn em mới tham gia khóa học tôn trọng và ngưỡng mộ. Là người có trách nhiệm với đàn em ngây thơ, chúng cảm thấy mình cực kỳ quan trọng và được đánh giá cao. Ngoài ra, văn hóa công ty chúng tôi được xây đắp trên tinh thần xây dựng và nâng đỡ mọi người không hề có sự phân biệt, nên bất kể ai tới đây cũng đều có cảm giác được mọi người yêu thương và công nhận hoàn toàn.

Vậy thì vấn đề là ở chỗ các bậc cha mẹ ít khi làm cho con cái cảm thấy chúng quan trọng và được công nhận trong gia đình. Ngược lại, nhiều khi họ còn vô tình còn khiến con cái cảm thấy chúng nhỏ bé và kém cỏi qua những biện pháp trách phạt và những lời quy kết nặng nề: “Khiếp con có thói quen sinh hoạt lề mề như một bà già”, “Con ở dơ như heo!”, “Thiên hạ sẽ nghĩ thế nào khi cầm học bạ của con?”

Thay vì cảm thấy mình quan trọng để bắt tay vào làm những việc cha mẹ muốn, con bạn đã có cảm giác thua cuộc (bỏ cuộc) ngay trước khi bắt đầu và để bạn là người chiến thắng. Và bởi vì thường thì bọn trẻ không thích bị sai bảo (nhu cầu cảm xúc thứ năm), chúng sẽ tiếp tục tình trạng trì trệ, không học hành cũng chẳng làm việc nhà phụ cha mẹ.

Cái Mà Bạn Mang Lại Cho Con Là Cảm giác “Quan Trọng” Hay “Chẳng Là Gì Cả”?

Đa số bọn trẻ không thích đi chơi với gia đình hay làm việc nhà đơn giản bởi vì chúng không cảm thấy mình được đánh giá cao hay là người không thể thiếu trong công việc đó. Một số đứa trẻ cảm thấy mình thật bé mọn và tội nghiệp khi cha mẹ luôn sai bảo chúng, chỉ trích ý kiến chúng đưa ra, đánh giá thấp việc chúng làm và so sánh chúng với người khác.

“Ăn ngay đi!”, “Đi học bài ngay!”, “Mặc áo lạnh vào!”

“Con phải làm những gì mẹ bảo…. Vì mẹ là mẹ của con!”

“Con chỉ được cái giỏi làm những chuyện ngu ngốc”

“Tóc tai gì mà bù xù như tổ quạ…lấy lược chải lại đi”

Những bậc cha mẹ thành công trong vai trò của mình biết cách “nâng cấp tinh thần” cho con cái, khiến chúng hào hứng học tập và nhiệt tình phụ giúp việc nhà. Họ cũng biết được những chiêu thức giúp mấy cô cậu tuổi teen cảm thấy mình là người hoàn toàn không thể thiếu khi tham gia vào công việc hoặc sinh hoạt chung của gia đình.

Chúng Tôi Dạy Con Gái Kelly Của Mình Như Thế Nào?

Hãy để tôi chia sẻ với bạn biện pháp mà vợ tôi dùng để dạy con gái lớn của tôi hòa thuận và chia sẻ đồ chơi của nó với đứa em nhỏ.

Chúng tôi phát hiện ra lý do chính khiến những anh/chị lớn thường có xu hướng bắt nạt đứa em nhỏ là vì tất cả những yêu thương và quan tâm mà chúng từng được hưởng trọn vẹn giờ bị chia bớt sang đứa em và thường thì đứa em được hưởng nhiều hơn. Từng là nhân vật “duy nhất, quan trọng nhất”, giờ chúng lại có đối thủ cạnh tranh sự quan tâm của cha mẹ.

Vì vậy, cách duy nhất giúp con gái lớn của tôi hòa thuận với em gái nó là tiếp tục làm cho Kelly cảm thấy mình rất quan trọng và luôn nhận được sự quan tâm của cả cha lẫn mẹ. Vợ chồng tôi thường xuyên nói với cô bé rằng, “Vì con là chị lớn, con có trách nhiệm chăm sóc em, dạy em cách cư xử đúng mực và dạy em học đánh vần”. Phương pháp này hiệu quả đến không ngờ! Để xứng đáng với “vị trí quan trọng” của mình, Kelly thật ra dáng người chị tận tình chăm sóc em nhỏ. Có lần vợ tôi chưa kịp nhắc nhở đứa em vì tội quăng đồ chơi bừa bãi thì Kelly đã chạy đến giúp em sắp đặt gọn gàng.

Một lần nữa, khao khát được công nhận của trẻ mãnh liệt đến mức chúng có thể làm bất cứ chuyện gì để được cha mẹ nhìn nhận. Nếu không được công nhận một cách đúng mức, chúng sẽ tìm kiếm điều này ở những nơi mà cha mẹ khó bề kiểm soát nổi.

Chắc bạn còn nhớ một thời báo chí đăng tin ầm ĩ về trường hợp sinh viên Cho Seung-Hui ở trường US Virginia Tech (Mỹ) đã bắn chết 32 sinh viên vào ngày 16 tháng 4 năm 2007. Cái gì đã xô đẩy một sinh viên có học làm chuyện điên rồ mất hết nhân tính như vậy? Có giả thuyết cho rằng hắn làm việc đó đơn giản là vì nhu cầu được nhìn nhận và trở nên quan trọng của hắn quá bức bách. Trong cuộc sống yếm thế ở nhà và ở trường, hắn cảm thấy mình chẳng có “kilôgram” nào đối với những người chung quanh. Nhu cầu này ngày một lớn lên đẩy hắn đến chỗ bất chấp tiếng nói của nhân tính mà xả súng giết người hàng loạt và cuối cùng cướp đi mạng sống của chính mình. Có lẽ trong tâm trí của Cho Seung-Hui lúc ấy chỉ có một điều: thà chết với tội ác ngàn năm không rửa được còn hơn sống mà không được ai biết tới.

Nhu Cầu Cảm Xúc 5: Nhu Cầu Độc Lập Và Tự Khẳng Định Mình

Nhu cầu cảm xúc thứ năm của tất cả mọi đứa trẻ (đặc biệt là thiếu niên) là nhu cầu được cảm thấy mình là một cá thể độc lập, không bị phụ thuộc. Trong quá trình lớn lên, trẻ có nhu cầu bắt đầu xác định cho mình một danh tính, vì vậy chúng cố gắng tách dần ra khỏi vòng ảnh hưởng của cha mẹ. Quá trình trở thành người lớn này tạo ra nhu cầu về TỰ DO và ĐỘC LẬP.

Đó là lý do tại sao ở tuổi teen, các cô bé cậu bé không thích bị sai bảo, rằng con phải làm cái này cái nọ, nghĩ như thế này thế kia. Chúng cảm thấy chỉ có những đứa miệng còn “hơi sữa” mới ngoan ngoãn nghe theo lời cha mẹ, còn người lớn và “ngầu” như mình thì quyết không phải là đồ “bám váy mẹ”. Việc nghe theo lời khuyên của cha mẹ (dù chúng vẫn biết đó là những lời khuyên đúng đắn) khiến chúng cảm thấy hình như mình chưa đủ lớn. Và vì không biết làm gì hơn, chúng tìm cách khẳng định bản thân bằng việc phớt lờ lời khuyên của cha mẹ hay làm điều ngược lại. Việc này lý giải tại sao bọn trẻ thường nghe theo lời bạn bè hay người cậu, người dì hơn là lời cha mẹ chúng.

Khi bạn dùng cách nói như “Ba muốn con …” hay “Con phải…”, chúng cảm thấy tự do của mình bị co lại một cách đáng kể và rằng chúng không được phép sống cuộc đời của mình. Khi bị ép buộc phải học cái này, làm việc kia mà không có cơ hội lựa chọn, không được phép suy nghĩ cho bản thân, chúng có thể tỏ thái độ bất cần đời hoặc nổi loạn.

Vậy phải chăng chúng ta không nên khuyên bảo hoặc để mắt đến mọi việc của con trẻ? Hay là cha mẹ nên tạo cho con một khoảng không gian tự do tuyệt đối, cho phép chúng muốn làm gì thì làm? DĨ NHIÊN LÀ KHÔNG! Là cha mẹ, chúng ta có trách nhiệm dìu dắt, hướng dẫn con cái không để chúng mắc phải những sai lầm, trong đó có cả những sai lầm không thể cứu vãn nổi. Và may thay, vẫn có những phương pháp giúp người làm cha mẹ hướng dẫn con cái có lựa chọn đúng đắn mà không cần phải RA LỆNH hay CAN THIỆP quá sâu vào cuộc sống của chúng.

Những bậc cha mẹ thành công nắm được bí quyết gây ảnh hưởng tốt đến hành vi của trẻ mà không đưa ra những lời khuyên giáo điều ép buộc. Khi trẻ cảm thấy chúng học và làm việc là cho bản thân mình chứ không phải cho bất cứ ai khác (kể cả cha mẹ), chúng sẽ cảm thấy dồi dào sinh lực hơn và có động lực tốt hơn. Bạn sẽ có được những bí quyết này sau khi đọc xong chương sáu.

CON CÁI CHÚNG TA ĐỀU GIỎI

Được viết bằng lối văn giản dị dễ hiểu, các tình huống thực tế gần gũi và dựa trên những kết quả nghiên cứu tâm lý hành vi con trẻ, quyển sách còn giúp gia đình bạn tìm được tiếng nói chung, để mỗi ngày trôi qua với bạn là những niềm vui và tiếng cười bất tận. Đây thật sự là quyển cẩm nang hữu ích giúp bạn trở thành những bậc cha mẹ tuyệt vời trong mắt con.

MUA SÁCH

CON CÁI CHÚNG TA ĐỀU GIỎI

Được viết bằng lối văn giản dị dễ hiểu, các tình huống thực tế gần gũi và dựa trên những kết quả nghiên cứu tâm lý hành vi con trẻ, quyển sách còn giúp gia đình bạn tìm được tiếng nói chung, để mỗi ngày trôi qua với bạn là những niềm vui và tiếng cười bất tận. Đây thật sự là quyển cẩm nang hữu ích giúp bạn trở thành những bậc cha mẹ tuyệt vời trong mắt con.

MUA SÁCH