(Trích đoạn sách Ngừng Viện Cớ – Tác giả Brian Tracy)

Theo thống kê của ngành bảo hiểm, trong 100 người bắt đầu làm việc từ năm 21 đến khi họ 65 tuổi sẽ có một người giàu, 4 người có tài chính vững vàng, 50 người có chút tiền dư dả và 80 người còn lại vẫn đang cày cuốc kiếm sống, phá sản, sống phụ thuộc vào lương hưu, hoặc qua đời.

Hầu hết những người thuộc thế hệ Bùng Nổ Dân Số hiện nay đều đang lên kế hoạch làm việc khi bước vào độ tuổi 70. Tại sao lại như vậy? Bởi vì họ không có dư dả tiền bạc để có thể thôi làm việc.

Nguyên nhân chính gây ra những vấn đề tài chính trong đời là thiếu kỷ luật bản thân, thiếu tự chủ và thiếu kiểm soát. Đó là do thiếu khả năng trì hoãn sự hài lòng trong ngắn hạn. Đó là xu hướng tiêu xài toàn bộ số tiền kiếm được và xài hơi lố nữa, thường được bổ trợ bởi các khoản vay và nợ thẻ tín dụng.

Ngày nay, tỷ lệ tiết kiệm ở Mỹ thấp đến nỗi không thể đạt được mức độc lập tài chính. Sau khi làm việc cả đời, một gia đình người Mỹ bình thường chỉ có khoảng 8.000 đô-la trong tài sản ròng. Người ta tiếp tục tiêu xài và vay mượn như thể không còn có ngày mai.

Tin tốt lành là chúng ta đang sống trong thời kỳ thịnh vượng nhất của lịch sử nhân loại. Ngày nay, nhiều người có nhiều cơ hội để trở nên giàu có và thịnh vượng bằng nhiều cách khác nhau hơn bao giờ hết. Chưa bao giờ bạn có nhiều khả năng đạt được sự độc lập trong tài chính như hiện nay. Nhưng bạn phải ngừng viện cớ và hạ quyết tâm thực hiện điều đó, và rồi bạn phải theo đuổi đến cùng quyết tâm đó.

Rèn Luyện Công Thức 1%

Bắt đầu từ hôm nay, hãy tiết kiệm 1% thu nhập của bạn và học cách sống với 99% còn lại. Đây là một số tiền mà bạn có thể xoay xở được. Đây là con số mà bạn có thể cân nhắc. Bạn chỉ cần chút kỷ luật bản thân và trì hoãn sự hài lòng một chút để tiết kiệm 1% mỗi tháng. Nếu bạn kiếm được 3.000 đô-la mỗi tháng, 1% sẽ là 30 đô-la một tháng, hay chỉ 1 đô-la một ngày.

Mỗi cuối ngày, hãy về nhà và bỏ số tiền tiết kiệm hàng ngày của bạn vào trong một chiếc hộp. Mỗi tháng một lần, hãy mang khoản tiết kiệm tích lũy đó đến ngân hàng và gửi vào tài khoản tự do tài chính của bạn. Đây có vẻ là một khởi đầu nhỏ, nhưng ngừng viện cớ và nhớ rằng “cuộc hành trình vạn dặm được bắt đầu bằng một bước chân.”

Chẳng mấy chốc, bạn sẽ sống thoải mái với 99% thu nhập của mình. Khi đó, hãy tăng mức độ tiết kiệm lên 2% thu nhập hàng tháng. Rồi bạn sẽ điều chỉnh lối sống của mình cho phù hợp với 98%. Không lâu sau, điều này sẽ trở thành một thói quen; bạn sẽ thấy rằng sống với 98% thu nhập kiếm được là chuyện tự nhiên và dễ dàng.

Từ tháng này sang tháng khác, bạn sẽ tăng mức tiết kiệm lên 1%. Đến cuối năm, chắc hẳn bạn sẽ tiết kiệm 10% thu nhập của mình. Rồi một chuyện đáng nhớ khác sẽ bắt đầu diễn ra. Các khoản nợ của bạn sẽ bắt đầu giảm dần. Khi bạn bắt đầu ý thức được việc tiết kiệm tiền và hướng đến sự độc lập về tài chính, bạn sẽ trở nên sáng suốt hơn và biết suy nghĩ hơn về từng khoản chi tiêu. Bạn sẽ thấy mình tiêu xài ít hơn và cuối cùng sẽ trả hết các khoản nợ, từ tháng này sang tháng khác.

Phần Thưởng Hậu Hĩnh

Phần thưởng cho việc tiết kiệm và đầu tư là rất to lớn. Có câu nói rằng “hạnh phúc là sự nhận thức không ngừng về một lý tưởng đáng giá.” Thế nên mỗi khi tiết kiệm được một đô-la hay trả được 1 đô-la vào khoản tiền thoát-nợ, bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc trong thâm tâm. Bạn cảm thấy tích cực hơn và có kiểm soát hơn với cuộc đời mình. Bộ não của bạn tiết ra endorphin, chất dẫn truyền thần kinh tạo cảm giác bình tĩnh và hạnh phúc.

Trong vòng hai năm kể từ khi bắt đầu quá trình này, bạn sẽ thoát được cảnh nợ nần và bắt đầu tích lũy được một khoản tiền ngày càng lớn dần trong tài khoản tự do tài chính của mình. Khi khoản tiền này tăng lên, bạn sẽ bắt đầu thu hút được nhiều tiền và nhiều cơ hội hơn vào trong cuộc sống của mình, sử dụng số vốn này một cách thông minh để nó mang lại mức lợi nhuận cao hơn cho bạn.

Đồng thời, thái độ của bạn đối với tiền và cách chi tiêu sẽ từ từ thay đổi. Bạn sẽ có kỷ luật hơn và suy nghĩ cẩn thận hơn. Bạn sẽ tìm hiểu kỹ trước khi đầu tư. Bạn sẽ nghiên cứu mọi khía cạnh của một việc kinh doanh mới hoặc một cơ hội tiềm năng. Bạn sẽ đắn đo hơn khi phải chia tay với số tiền mà bạn đã vất vả tích lũy được. Bạn sẽ thật sự bắt đầu điều chỉnh thái độ và cách đối xử của mình với tiền bạc – và thực hiện điều đó một cách rất tích cực.

Trích đoạn sách Ngừng Viện Cớ – Tác giả Brian Tracy

NGỪNG VIỆN CỚ

Quyển sách này được viết cho những người có khát vọng và quyết tâm đạt được mọi điều mà họ ấp ủ. Mỗi chương trong 21 chương của quyển sách này chứa đựng những bài thực hành nhằm giúp bạn áp dụng phương pháp “ngừng viện cớ” vào cuộc sống. Với những hướng dẫn này, bạn có thể học cách trở nên thành công hơn trong mọi việc bạn làm – thay vì đố kỵ với những người bạn cho rằng “may mắn” hơn bạn.

MUA SÁCH