Luật chơi của người thắng cuộc

Người chiến thắng là người dám đặt ra những mục tiêu to lớn và không bao giờ bỏ cuộc cho đến khi đạt được nó. Họ thành công là vì thế. Ngược lại, rất nhiều người sợ đặt mục tiêu. Nếu có đặt đi nữa, họ lại không dám mơ xa vì sợ mình sẽ thất bại. Họ không đủ động lực và tự tin để làm những gì cần làm nhằm tạo bước đột phá.

Sao lại thế nhỉ? Sự khác biệt nằm ở cách người thắng cuộc và người bình thường định nghĩa về thành công. Họ tham gia cuộc chơi theo những luật lệ khác nhau.

Người thắng cuộc biết thành công là cả quá trình nỗ lực đạt đến mục tiêu, từng bước một. Lấy ví dụ, khi tôi viết quyển sách đầu tay của mình, “Tôi Tài Giỏi, Bạn Cũng Thế!”, tôi đặt mục tiêu táo bạo là bán được 1 triệu bản in trên 24 nước trong vòng một năm. Mục tiêu đầy khích lệ ấy là động lực khiến tôi lao vào làm việc hết mình. Tôi biết mình phải viết ra một quyển sách xứng đáng nằm vào danh mục bán chạy nhất thế giới.

Khi quyển sách được phát hành vào tháng sáu năm 1998, tôi làm mọi cách để quảng bá nó, thông qua những buổi giới thiệu sách và các kênh quảng cáo. Một năm trôi qua, một triệu bản là con số không tưởng. Thay vào đó, tôi chỉ bán được có 10.000 quyển. Vậy tôi xem đó là thất bại ư? Hay tôi thất vọng và nhục nhã? Hoàn toàn không. Tất cả nằm ở cách tôi định nghĩa thành công. Miễn là tôi đang tiến dần đến mục tiêu của mình (từ chỗ không bán được quyển nào, tôi đã bán được 10.000 bản), vậy tôi đã thành công đấy chứ. Tôi không có gì tiếc nuối chuyện mình đặt ra mục tiêu cao như thế ngay từ đầu. Mặc dù còn xa lắm tôi mới đạt được, mục tiêu đó vẫn có tác dụng thúc đẩy tôi nỗ lực hơn hẳn bất kỳ tác giả nào tôi biết. Nhà xuất bản lúc ấy báo cho tôi rằng một quyển sách trong nước có doanh số bán ra trung bình là 2.000 bản, và sách bán chạy nhất trong nước trung bình đạt mức 5.000 bản. Vậy tính ra con số 10.000 bản của tôi đã đạt kỷ lục và “đứa con tinh thần” của tôi đứng đầu danh sách những tác phẩm bán chạy nhất do Thời báo Singapore Straits Times bình chọn.

Thế nhưng tôi vẫn chưa chịu hài lòng. Bởi thành công là một cuộc hành trình không bao giờ kết thúc và nó càng không phải đích đến, vậy nên tôi tiếp tục dấn thân để đạt đến mốc một triệu bản, và càng làm việc chăm chỉ hơn nữa nhằm quảng bá quyển sách. Chỉ trong vòng vài năm tiếp theo, quyển sách được bán ra hơn 140.000 bản và được dịch sang sáu thứ tiếng. Một lần nữa, tôi biết mục tiêu vẫn còn xa vời nhưng dẫu sao, tôi vẫn thấy mình thành công.

Cảm giác là một tác giả nổi tiếng mang đến cho tôi niềm đam mê và sự tự tin để tiếp tục viết thêm mười quyển sách khác trong vòng mười năm tiếp theo. Năm trong số đó lọt vào danh sách những tác phẩm bán chạy do hai tạp chí Borders và Straits Times bình chọn. Tổng số sách bán ra trên toàn thế giới đã cán mốc một triệu bản (tính luôn cả bản dịch và sách điện tử). Mặc dù tôi không bán được một triệu bản của quyển sách đầu tay trong vòng một năm, tôi đã bán được một triệu bản của 11 quyển sách trong vòng 10 năm.

Thế mới biết, trong cuộc sống này không phải lúc nào ta cũng gặt hái được những thành quả theo đúng cách mình đã định. Tuy nhiên, nếu bạn xem như mình đã thành công mỗi khi bạn tiến gần hơn đến mục tiêu, thì bạn sẽ tiến rất sát đến mục tiêu ấy. Và chính cảm giác hăng say với công việc, cảm giác hài lòng và được đền bù xứng đáng sau những nỗ lực không mệt mỏi mới là đáng kể.

Mỗi thất bại là một bài học kinh nghiệm

Đã bao giờ bạn xác định mục tiêu, làm hết sức mình để đạt được nó nhưng lại thất bại ê chề? Dĩ nhiên là có rồi! Năm tôi 20 tuổi (khoảng 17 năm về trước), tôi hứng chí tham gia vào thị trường chứng khoán để cầu may. Chẳng có chút vốn kiến thức nào, hành trang chỉ là sự nhiệt tình tuổi trẻ, tôi đổ hết tiền bạc vào mua chứng khoán, tin rằng chẳng bao lâu nữa, số tiền này sẽ nhân ba.

Tôi đặt mục tiêu kiếm được 50.000 đô trong vòng một năm. Thế nhưng, thực tế phũ phàng là tôi mất phân nửa số tiền dành dụm. Vào thời điểm đó, rất nhiều người rút lui và không muốn liều lĩnh thêm một đồng nào nữa. Tôi thì không. Ngược lại, tôi càng quyết tâm nắm vững kỹ năng đầu tư để lấy lại những gì đã mất, và bắt số tiền đó phải sinh sôi.

Tôi nhận ra rằng khi tôi hành động để tiến gần đến mục tiêu đặt ra, tôi thấy mình “thành công”. Và khi không đạt kết quả như ý, tôi không xem đó là “thất bại”, mà là bài học kinh nghiệm. Nhờ những bài học này mà tôi biết cách làm nào không hiệu quả. Rồi tôi thu nhặt được nhiều kinh nghiệm hơn những ai không dám bước những bước đầu tiên.

Trong thâm tâm, tôi tin mình KHÔNG CÁCH GÌ thất bại được. Chỉ cần đặt ra mục tiêu và hành động, tôi chỉ có thể thành công, hoặc sẽ học hỏi được điều gì đó. Chính định nghĩa ấy đã thôi thúc tôi (và rất nhiều người thành công khác) theo đuổi ước mơ mà không sợ mình vấp ngã.

Chỉ có bạn mới cho phép mình thất bại!

Trong tư tưởng của người thắng cuộc, hoặc họ sẽ ĐẠT ĐƯỢC MỤC TIÊU, hoặc họ sẽ RÚT RA bài học kinh nghiệm. Niềm tin ấy ban cho họ dũng khí để ước mơ và biến ước mơ đó thành hiện thực bất chấp mọi thử thách chông gai.

Trong tâm trí của người thành công, họ chỉ thất bại khi họ bỏ cuộc, hoặc không bắt tay vào hành động. Miễn là bạn nỗ lực hết mình và không chấp nhận khoanh tay đứng nhìn, thất bại không thể xảy ra.

“Thất bại lớn nhất là khi bạn không tham gia 100% vào cuộc sống.”

–       Adam Khoo

Người chiến thắng cũng sợ thất bại không kém gì người khác. Thế nhưng, nhờ cách họ định nghĩa thất bại, họ không bao giờ cho phép mình bỏ cuộc hoặc để ước mơ vuột khỏi tầm tay.

“Bạn bỏ lỡ 100% cú đánh mà bạn không thực hiện.”

–       Wayne Gretsky, được biết đến là cầu thủ khúc côn cầu giỏi nhất trong lịch sử

[sach_chienthangtrochoicuocsong]