Đối với hầu hết các bậc cha mẹ, thành công của con cái còn quan trọng hơn thành công của chính mình. Chúng ta có thể hy sinh tất cả để dọn đường cho con đi đến thành công trong bất cứ lĩnh vực nào mà chúng lựa chọn. Khi con còn bé, ta mong chúng có thành tích học tập tốt để xây dựng một bệ phóng vững chắc, rồi từ đó chúng bay lên chinh phục những đỉnh cao và biến ước mơ thành hiện thực.

Nhưng làm thế nào để giúp con cái đây? Và nên bắt đầu từ đâu? Trước hết, bạn cần xác định rằng cuộc đời là của con bạn, chúng phải sống cuộc đời của chúng. Và như vậy để thành công, bản thân chúng phải có KHÁT VỌNG thành công và ĐỘNG LỰC vươn tới thành công. Tiếc thay, không ai có thể làm dùm chúng việc này, kể cả cha mẹ chúng.

Tuy nhiên, trong khi một số ít trẻ có động lực phấn đấu tự thân và vì thế gặt hái những thành quả liên tiếp trong bất cứ việc gì chúng làm, thì phần đông những trẻ khác chỉ đạt kết quả làng nhàng hoặc yếu kém. Điều đáng buồn là người lớn chúng ta đều biết rằng những đứa trẻ “làng nhàng” ấy có thể làm tốt hơn nhiều nếu chúng nỗ lực. Khoa học về não bộ cho chúng ta thấy hầu như tất cả trẻ em trên đời đều có tiềm năng trở thành người tài giỏi, chỉ có điều các em chưa biết phát triển những tài năng chưa lộ rõ ấy mà thôi. Thay vì khai thác tiềm năng của bản thân, nhiều em trang bị cho mình thái độ bất cần, sẵn sàng thí bỏ hay có tư tưởng chủ nghĩa thất bại: “Đơn giản tôi không thể làm được điều đó. Việc này quá khó đối với tôi. Bó tay thôi”.

Gặp trường hợp như vậy, phần lớn các ông bố bà mẹ sẽ làm gì? À, họ sẽ cố tác động đến con cái với những lời cằn nhằn, la mắng, khuyên bảo chẳng tới đâu, và thậm chí còn đưa ra những so sánh tối kỵ: “Sao con không chịu khó học hơn?”, “Học hành biếng nhác thế thì còn mong đợi được gì!”, “Anh mày bao giờ cũng đứng nhất lớp, còn mày thì sao?”, “Phải chịu khó động não một chút chứ?”.

Có thể con bạn hoàn toàn dửng dưng trước những lời cằn nhằn ca thán bất tận kiểu ấy, có thể chúng chăm học hơn một chút nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, sau đó “mèo lại hoàn mèo”. Tại sao thế, đó là vì trong những đứa trẻ như vậy, khát vọng thành công nếu có cũng chỉ là ngọn lửa leo lét không đủ sức làm nóng bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, bởi vì ngọn lửa ấy được thổi lên bởi cha mẹ chúng chứ không phải tự bản thân chúng. Do đó, những lời la mắng cằn nhằn của cha mẹ giống như việc quất roi vào con ngựa đã gần kiệt sức giục nó phải bước nhanh hơn.

Vì vậy, thay cho lời la mắng, hãy trao cho con “tấm biển chỉ đường” đi tới thành công.

CON CÁI CHÚNG TA ĐỀU GIỎI

Được viết bằng lối văn giản dị dễ hiểu, các tình huống thực tế gần gũi và dựa trên những kết quả nghiên cứu tâm lý hành vi con trẻ, quyển sách còn giúp gia đình bạn tìm được tiếng nói chung, để mỗi ngày trôi qua với bạn là những niềm vui và tiếng cười bất tận. Đây thật sự là quyển cẩm nang hữu ích giúp bạn trở thành những bậc cha mẹ tuyệt vời trong mắt con.

MUA SÁCH