Phương Thức Meta

NGÔN NGỮ CHO PHÉP chúng ta biết cách phân biệt. Chúng ta làm việc này bằng cách đặt tên cho sự vật (muông thú, thành công, thức ăn, vẻ đẹp). Những tên gọi này giúp chúng ta tạo ra những hạng mục và sắp xếp ý nghĩ cũng như trí nhớ của mình.

Bởi tâm trí con người chỉ nhận thức được một lượng thông tin giới hạn trong cùng một thời điểm, thế nên chúng ta tạo ra những thói quen, những chuỗi hành vi lặp đi lặp lại và có thể dự đoán được. Điều này cho phép chúng ta thực hiện hầu hết những việc phải làm mà không cần “suy nghĩ”. Trong ngôn ngữ, đây là những từ ta thường dùng đến mức tạo thành những mô thức. Chúng ta không thể suy nghĩ cặn kẽ mọi thứ một cách có nhận thức mỗi khi chúng ta nói, vì thế chúng ta cô đọng những khái niệm thành một dạng viết tắt của mô thức ngôn từ.

Nhờ nhận ra các mô thức ngôn ngữ học mà chúng ta có thể khám phá ra những câu hỏi nào nên được đặt ra để hiểu được những trải nghiệm đằng sau ngôn từ. Con người dùng ngôn ngữ để bày tỏ ý nghĩa bên trong.

Bây giờ chúng ta sẽ cùng xem xét năm mô thức ngôn ngữ cơ bản, một phần của những gì NLP gọi là phương thức meta. Mỗi mô thức có những câu hỏi cụ thể, thách thức những giả định sâu xa và giúp bạn giao tiếp rõ ràng hơn. Điều này có nghĩa là bạn sẽ hiểu rõ hơn những gì người khác nói; nó cũng giúp bạn định nghĩa chính xác hơn điều bạn định truyền đạt.

Khi tôi nói từ yêu, thấu hiểu hoặc mối quan hệ, tôi đã quen với những từ này đến nỗi chúng tách rời khỏi trải nghiệm của tôi. Bằng cách tự đặt ra cho mình những câu hỏi cụ thể, tôi có thể bắt đầu tái kết nối với trải nghiệm thực tế của mình về một từ nào đấy.

Hãy xem ngôn ngữ như một dạng mật mã. Việc giải  đáp được mật mã đó và nhận được những thông điệp quan trọng hoặc biết nơi cất giấu bí mật hay không là tùy vào bạn. Phương thức meta mang đến một số công cụ ngôn ngữ có thể giúp bạn bẻ khóa (ngôn ngữ) và hiểu được tầm quan trọng và sự đa dạng của trải nghiệm (ý nghĩa) mà từ ngữ đó mang lại.

Năm mô thức của phương thức meta mà chúng ta sẽ thảo luận dưới đây đề cập đến từng kiểu kết hợp từ ngữ cụ thể, đó là những mô thức được trích ra từ công trình của Noam Chomsky và các nhà ngôn ngữ học hiện đại.

1. Mô thức đầu tiên là những danh từ và đại từ không xác định.

Mô thức này đơn giản có nghĩa là những danh từ hoặc đại từ không cụ thể. Bạn không thể biết nó nói về ai hoặc về điều gì. Những từ không xác định là những từ “béo bệu” như ta đã đề cập trong Chương “Mục Tiêu Cụ Thể” (Tập 1), bởi chúng không mang ý nghĩa gì rõ ràng hay cụ thể.

“Mấy người họ hàng làm tôi phát điên.” Danh từ ở đây là “mấy người họ hàng”. Nó không cụ thể lắm – trừ khi người nói chỉ có hai người họ hàng. Liệu ta có biết được ai là người khiến cho người nói phát điên không? Có phải cô ấy ám chỉ tất cả những người họ hàng của cô ấy chăng? Tất nhiên là không.

“Cái này để ở đâu vậy em?” “Cái này” ở đây là cái gì? Người vợ đang ở trong phòng đọc, còn người chồng thì ở trong bếp. Anh chồng tưởng vợ mình có khả năng nhìn xuyên tường chăng? Cái này ở đây là một đại từ không xác định.

“Mình không thích cái này.” Câu này sẽ rất rõ nghĩa nếu người nói chỉ tay vào rổ bắp cải trong lúc nói. Nhưng nếu con bạn đi học về và than phiền “Con không thích bọn họ đâu mẹ,” thì bạn phải tìm hiểu xem, “bọn họ” ở đây là ai. “Bọn họ” là một đại từ không xác định khác.

“Con không thích mấy ông thầy bà cô của con,” thằng bé con bạn nói thêm. Nhưng cụ thể là thầy cô nào?

Một lỗi mà chúng ta hay mắc phải là thường cho rằng mình biết người nói muốn đề cập đến ai (đối tượng nào). Thường thì điều này không quan trọng lắm trong giao tiếp; tuy vậy trong những tình huống quan trọng, bạn phải nhận thức rằng mình không biết và phải cậy đến những công cụ – những câu hỏi cụ thể nhằm giải đáp được mật mã, tìm ra ý người nói muốn ám chỉ.

Với mô thức danh từ và đại từ không xác định, ta có loại câu hỏi: “Cụ thể là ai, cái gì, vật gì?”

Một lưu ý nhỏ: Khi bạn dùng từ “cụ thể” trong câu hỏi, hãy hỏi với một giọng nói và nét mặt vui vẻ, ôn hòa. Nếu không, đối tượng giao tiếp có thể nghĩ là bạn thô lỗ, bất lịch sự và sẽ bực mình với bạn thay vì cung cấp cho bạn thông tin bạn cần.

2. Mô thức thứ hai là những động từ không xác định.

Chúng ta phân biệt giữa danh từ và với động từ bởi vì chúng đề cập đến những mô thức khác nhau của ngôn ngữ và tư duy. Danh từ miêu tả một sự việc tĩnh; động từ miêu tả một quá trình động.

Để làm cho các câu nói trở nên các động từ trở nên cụ thể – nhằm tìm ra điều người nói muốn đề cập dựa theo trên quan điểm hoặc góc nhìn của người ấy về thế giới – chúng ta phải đặt ra những câu hỏi mang tính xác định. Nếu với danh từ hoặc đại từ,  ta có câu hỏi: cụ thể là ai, cái gì hoặc vật gì? Thì với động từ, câu hỏi sẽ là “Cụ thể là như thế nào?”

Bạn còn nhớ một câu nói đơn giản trong Chương 6 “Cấu Trúc Ngôn Ngữ”, “Joan làm tôi đau” không? Phải mất một lúc mới làm sáng tỏ được vấn đề. Làm đau là một động từ, một quá trình. Nghe có vẻ đơn giản, nhưng khi tìm hiểu thì nó có thể “béo bệu” ở bên trong. Cùng một từ “đau” nhưng ý của tôi có thể khác ý của bạn.  Việc làm người khác đau này có chủ đích không? Đau về mặt cảm xúc hay thể xác? Câu chúng ta cần hỏi là “Cụ thể cô ấy đã làm bạn đau như thế nào?” để lấy được những thông tin mình cần.

Trong một tình huống quan trọng (liên quan đến công việc hoặc cảm xúc) cần phải định nghĩa từ ngữ một cách chính xác, tốt nhất bạn phải đảm bảo mình hiểu rõ điều người kia muốn nói. Với động từ, những từ ám chỉ đến một quá trình, bạn phải luôn chú ý để đảm bảo hai bạn đang nói về cùng một thứ. Thậm chí từ chấm dứt cũng là một quá trình như trong câu “Tôi phải chấm dứt việc bước vào các mối quan hệ kiểu này.” Nhưng cụ thể, bạn “chấm dứt” ra sao? Làm thế nào bạn biết được là bạn “chấm dứt”? Bạn “chấm dứt” bằng cách nào?

Hãy nhớ: Câu hỏi Cái gì? dẫn đến những thông tin về danh từ và đại từ. Câu hỏi Như thế nào? nhắm tới việc định hướng suy nghĩ của một người về một quá trình, những gì đang diễn ra, phát triển, và thay đổi.

3. Mô thức thứ ba là hiện tượng danh từ hóa

Đây gần như chắc chắn là mô thức ngôn ngữ thú vị nhất – hơi phức tạp một chút nhưng đáng để tìm hiểu.

Trong tiếng Anh chúng ta có những từ mà chúng ta coi như danh từ – giống như từ việc học.

“Việc học của tôi đang xấu đi”: “việc học” là chủ ngữ trong câu này.

“Tôi muốn cải thiện việc học của mình”: “việc học” ở đây là bổ ngữ trong câu.

Ngữ pháp truyền thống cho rằng chủ ngữ hoặc bổ ngữ của một câu bao giờ cũng là một danh từ hoặc đại từ. Vì thế ở đây, việc học được coi như một danh từ.

Vấn đề là ở chỗ, nó không phải là một danh từ chỉ hành vi, dù ở bất cứ mức độ nào. Việc học là một quá trình. Nó xuất phát từ từ họchọc là một động từ. Nó chuyển động, nó diễn ra. Nó không phải là một danh từ giống như từ “bóng đèn” hoặc “phòng ngủ” (“Bóng đèn nhà tôi sắp bị hư”, “Tôi muốn ra khỏi phòng ngủ này”)

Hoặc lấy ví dụ này: “Tôi mất lòng tin ở người khác.” “Tôi” là chủ ngữ, “mất” là động từ và “lòng tin” là bổ ngữ trong câu, làm cho nó, trên phương diện ngữ pháp là một danh từ. Nhưng nó không phải là một danh từ giống như “bánh kem” trong câu, “Tôi gặp khó khăn trong việc làm bánh kem.”

Vấn đề nằm ở chỗ là những dạng từ này – việc học, lòng tin – về mặt ngữ pháp được coi là danh từ. Nhưng về mặt hành vi, đây lại là động từ. Chúng đại diện cho một quá trình. Mỗi từ đều xuất phát từ một từ gốc là động từ, chỉ một quá trình đang diễn ra chứ không phải một sự việc đã kết thúc.

Trong câu, “Việc học của tôi đang xấu đi”, việc học được coi như một sự việc, một danh từ, một cái gì đã hoàn chỉnh, kết thúc. Như thể tôi không có quyền kiểm soát nó. Nó tồn tại độc lập với tôi. Tôi không có trách nhiệm gì ở đây cả. Tôi có thể treo việc học lên một bức tường, nơi tôi có thể chiêm ngưỡng nó hoặc phóng phi tiêu vào nó.

Điều mà tôi phải làm để thoát khỏi hiện tượng danh từ hóa là thay đổi từ đó từ danh từ thành động từ, chuyển nó thành một quá trình, một cái gì mà tôi có thể hành động. Câu hỏi đặt ra ở đây là, “”Cụ thể, bạn (hoặc tôi) học như thế nào?

Biến đổi một cái gì cố định thành một quá trình đang diễn ra có nghĩa là tham gia vào quá trình đó. “Tôi không có chút thỏa mãn nào” – cho đến khi tôi tìm ra, cụ thể như thế nào, thì tôi thỏa mãn. Tôi phải làm gì? Tôi phải nhận lãnh một vai trò chủ động; chỉ đến khi ấy tôi mới trở thành một phần của quá trình, có nghĩa là tôi có thể thay đổi nó. Khi nào thì tôi cảm thấy “thỏa mãn”? Tôi chịu trách nhiệm và lấy lại quyền kiểm soát.

Một số từ đứng trước động từ thường là dấu hiệu cho thấy hiện tượng danh từ hóa. Bao gồm:

–        cuộc (cuộc đua)

–        việc (việc làm)

–        lòng (lòng quyết tâm)

–        sự (sự quan tâm)

–        cơn (cơn giận)

Giả sử người mà bạn yêu thương nói với bạn rằng “Em cần sự quan tâm của anh nhiều hơn”; và bạn quyết định làm một điều gì đó về chuyện này. Suốt cả tuần bạn làm tất cả mọi thứ để chứng minh mình quan tâm đến cô ấy. Bạn hỏi han xem một ngày của cô ấy trôi qua như thế nào, bạn để tâm đến bất cứ thứ gì và tất cả mọi chuyện lớn nhỏ mà cô ấy làm, bạn kể chuyện cho cô ấy nghe, cùng xem tivi với cô ấy, thậm chí còn mua cả hoa tặng cô ấy nữa – và vào cuối tuần, cô ấy nói với bạn, “Sao anh không hề quan tâm gì đến em cả? Em tưởng mình đã thống nhất với nhau rồi.”

“Không hề quan tâm? Em nói cái gì vậy? Chẳng phải anh suốt ngày quan tâm đến em đó sao?” Và bạn cảm thấy mọi chuyện thật chẳng công bằng chút nào.

Nhưng rồi bạn nghe cô ấy nói, “Suốt tuần qua thử hỏi anh âu yếm em được mấy lần? Anh có ôm em mỗi khi em đi làm về không? Lần cuối cùng chúng ta nắm tay nhau là vào khi nào?”

Ồ hóa ra là như vậy. “Tại sao em không nói với anh điều đó?” bạn hỏi.

“Em đã nói rồi còn gì.”

Hoặc chuyện này: Một học sinh hỏi thầy giáo, “Tại sao thầy cho em điểm kém như vậy?”

“Bởi vì em không tập trung chú ý.”

“Thầy nói vậy là sao? Em ghi chú, em chép tất tần tật mọi điều thầy nói kia mà.”

“Nhưng em không bao giờ nhìn thầy khi thầy giảng bài.”

Hoặc như thế này:

Học sinh: Tại sao thầy cho em điểm kém như vậy?

Thầy giáo: Bởi vì em không tập trung chú ý.

Học sinh: Em bao giờ cũng nhìn thầy mà.

Thầy giáo: Nhưng em không giơ tay phát biểu. Em cũng không đặt câu hỏi nữa.

Đó chính là hiện tượng danh từ hóa: nghe như một danh từ, cách thức hoạt động như một quá trình. Em muốn sự quan tâm ư? Nói cho anh biết em muốn anh quan tâm đến em như thế nào.

Ngoài những từ đứng trước động từ ra, có hai phép thử giúp xác định một từ có bị danh từ hóa hay là một danh từ thật sự, đó là phép thử “xe cút kít” và phép thử “đang diễn ra”.

Đầu tiên, hãy xét xem từ đó có bỏ được vào một chiếc xe cút kít hay không? Bất kể chiếc xe cút kít lớn thế nào, nếu một vật được miêu tả có thể để lên xe cút kít, thì đó là một danh từ thật sự chứ không phải là một từ được danh từ hóa. “Ngôi nhà” để lên xe cút kít được; “Quả núi” cũng “bỏ vừa” xe cút kít, mặc dù chúng ta sẽ cần đến một chiếc xe rất lớn. Nhưng “việc học” lại không bỏ vào xe được. “Lòng tin” cũng không phù hợp. Nếu chúng không bỏ vào chiếc xe cút kít được thì chúng là những từ được danh hóa.

Thứ hai, nếu bạn có thể đặt từ “đang diễn ra” ở trước một từ mà nghe có lý, thì từ đó nhiều khả năng là một từ được danh từ hóa. (Việc học của bạn đang diễn ra nhưng bóng đèn của bạn không thể đang diễn ra.)

PHÁT HUY TIỀM NĂNG CÙNG NLP (2 tập)

Với quyển cẩm nang về trí não này, bạn sẽ học được một số kỹ thuật hiệu quả để điều khiển tâm trí chính mình và người khác, đồng thời “tái lập trình” bản thân. Ứng dụng NLP vào đời sống, bạn có thể làm mọi thứ bạn mơ ước, giải quyết những khó khăn, thay đổi thói quen và lật cuộc đời sang một trang khác. Bởi vì NLP tập trung giải quyết những vấn đề trước mắt, thay vì đào bới lại quá khứ, thế nên kết quả đạt được rất nhanh, có khi ngay lập tức, gần như một phép lạ!

MUA SÁCH