ĐƯỜNG NỐI GIỮA CẢM XÚC VÀ LÝ TRÍ

Cho đến nay, tai nạn kinh khủng mà Phineas gặp phải vẫn là một bài toán nan giải đối với các nhà nghiên cứu. Việc anh sống sót qua vụ tai nạn quả là một điều kỳ diệu và sự thay đổi trong hành vi của anh giúp chúng ta hiểu về bộ não con người nhiều hơn bất cứ kỹ thuật tiên tiến nào. Những thiết bị hiện đại có thể vẽ ra bản đồ não bộ, chỉ ra được những vùng não nào là quan trọng nhất đối với mỗi loại tư duy khác nhau, nhưng không một loại máy móc nào có thể phản ánh được cách hành xử của con người khi phần não trước bị mất đi. Tai nạn của Phineas không chỉ dừng lại ở một câu chuyện ly kỳ mà người ta truyền tai nhau nghe quanh ngọn lửa trại; nó còn cho chúng ta biết một điều quan trọng về cách con người suy nghĩ. Những thử thách trong việc làm chủ cảm xúc hàng ngày là một phần quan trọng của cuộc sống. Thậm chí ngay cả những người có bộ não nguyên vẹn vẫn có thể trở thành nạn nhân của cách hành xử vô lý.

Khác với Phineas, chúng ta có sự lựa chọn về cách chúng ta phản ứng lại với cảm xúc. Mỗi người chúng ta tiếp nhận thông tin từ thế giới bên ngoài thông qua năm giác quan. Tất cả những gì chúng ta nhìn thấy, ngửi thấy, nghe thấy, nếm được và chạm vào đều được truyền đi khắp cơ thể chúng ta bằng những tín hiệu điện. Những tín hiệu này di chuyển từ tế bào này sang tế bào khác cho đến khi đến được đích cuối cùng là não bộ. Nếu một con muỗi cắn vào chân bạn, cảm giác này sẽ tạo ra những tín hiệu truyền đến não bộ trước khi bạn nhận ra việc mình bị muỗi cắn. Cảm giác của chúng ta đi vào vùng não phía sau gáy, gần tủy sống. Những suy nghĩ phức tạp dựa trên lý trí diễn ra tại phần não đối diện, ở phía trước, đây chính là phần não mà Phineas bị mất. Khi những tín hiệu điện truyền đến não bạn, chúng phải đi qua phần não trước này trước khi bạn có thể suy nghĩ một cách logic. Vấn đề nằm ở chỗ là giữa cổng vào của các giác quan và vùng lý luận trong não bộ là hệ limbic. Hệ limbic là nơi chúng ta trải nghiệm cảm xúc. Các tín hiệu đi qua hệ limbic tạo ra những phản ứng cảm xúc đối với sự việc trước khi chúng đến được phần não trước. Phần não trước không thể ngăn được những cảm xúc diễn ra trong hệ limbic. Thay vào đó, hai khu vực này giao tiếp liên tục với nhau. Quá trình giao tiếp này chính là cơ sở của trí tuệ cảm xúc.

Sau vụ tai nạn, tất cả những gì mà Phineas đáng thương còn chỉ là cảm xúc. Vì mất đi toàn bộ phần não trước, anh mất luôn khả năng suy luận và phản ứng với cảm xúc. Thật vậy, tất cả những gì tác động đến anh, tất cả những gì mà anh trải nghiệm đều dẫn đến những phản ứng cảm xúc thiếu suy nghĩ. Phineas không còn khả năng kiểm soát cảm xúc của mình, hoặc thậm chí không hiểu được sự tồn tại của chúng. Mỗi giờ mỗi phút trong ngày, lúc nào anh cũng bị cảm xúc lấn át, tình trạng này tương tự như khi bạn đang bị hổ rượt hoặc trong lúc cố gắng cứu một đứa trẻ sắp chết đuối.

Não bộ của chúng ta được “cài đặt” để biến chúng ta thành những sinh vật có cảm xúc. Việc chúng ta trải nghiệm cảm xúc đầu tiên đối với một sự việc nào đó có nghĩa là cảm xúc tác động mạnh mẽ đến hành vi của chúng ta. Một số trải nghiệm mang lại những cảm xúc mà chúng ta dễ dàng nhận biết, nhưng cũng có những cảm xúc dường như không tồn tại. Hệ limbic đảm bảo các cung bậc cảm xúc đóng một vai trò quan trọng trong mọi khía cạnh hành vi của chúng ta.

Đường đi trong cơ thể của trí tuệ cảm xúc bắt đầu ở não, từ tủy sống. Những giác quan chính của bạn đi vào đây và được truyền đến phần não trước, sau đó thì bạn mới có thể suy luận về trải nghiệm ấy. Nhưng trước tiên, chúng đi qua hệ limbic, nơi các cảm xúc diễn ra. Trí tuệ cảm xúc đòi hỏi việc giao tiếp hiệu quả giữa hai trung tâm cảm xúc và lý trí trong não.

Có hàng tỷ nơ-ron thần kinh cực nhỏ nằm trên đường liên kết giữa hai trung tâm cảm xúc và lý trí của não bộ. Thông tin được truyền tải qua lại giữa hai trung tâm này giống như dòng xe cộ ngược xuôi trên những con đường trong thành phố. Khi bạn thực hành kỹ năng trí tuệ cảm xúc, dòng chảy thông tin sẽ trở nên thông suốt ở cả hai chiều. Lưu lượng thông tin càng nhiều thì mối liên kết giữa hai trung tâm cảm xúc và lý trí trong não bộ càng trở nên vững chắc. Khả năng giữ cho đoạn đường liên kết này thông suốt có ảnh hưởng to lớn đến trí tuệ cảm xúc của bạn. Bạn suy nghĩ về các cảm xúc của mình càng nhiều bao nhiêu – và phản ứng hữu ích với những cảm xúc đó – thì đường liên kết này càng phát triển bấy nhiêu. Một số người phải vật lộn trên những con đường hai làn xe, trong khi những người khác đã xây dựng được đường cao tốc năm làn xe. Lưu lượng thông tin dày đặc chính là nền tảng cho một trí tuệ cảm xúc cao. Lưu lượng thông tin quá ít từ cả hai chiều sẽ dẫn đến những hành vi không hiệu quả.

Tại sao con người bỏ quá nhiều thời gian phớt lờ cảm xúc của mình hoặc bị chúng chi phối? Đa số những sai sót về trí tuệ cảm xúc đơn giản xuất phát từ việc không am hiểu. Bạn có thể khám phá những kỹ năng cụ thể giúp bạn biết cách hành xử “khôn ngoan” khi đối diện trước thử thách. Việc khai thác sức mạnh của trí tuệ cảm xúc trong công việc và gia đình không còn là một lựa chọn nữa. Ngày nay, để thành công và có một cuộc sống trọn vẹn, bạn phải học cách tận dụng tối đa những kỹ năng này bởi vì chỉ có những người biết hòa hợp giữa cảm xúc và lý trí mới có thể đạt kết quả tột bậc.

Phía Bên Kia Của Sự Thông Thái – Thế Nào Là Thông Minh Cảm Xúc?

Khám phá là nhìn thấy những gì ai cũng thấy và nghĩ ra những gì không ai nghĩ tới.

         Abert von Szent-Gyorgyi

Lily thức dậy vào một buổi sáng thứ hai tràn đầy nắng ấm ở San Francisco. Cô tắm rửa, thay quần áo đi làm và ngồi nhấm nháp ly cà phê trong lúc đọc báo. Thỉnh thoảng, cô lại nghĩ về giải thưởng Biotech Bay, một thuật ngữ dùng để miêu tả ngành công nghệ sinh học mà cô đang gắn bó. Trong nhiều năm qua, Lily vẫn làm việc cho cùng một công ty. Thoạt đầu, cô chẳng có gì để than phiền, nhưng thời gian trôi qua, công việc của cô trở nên trì trệ. Niềm đam mê chế tạo ra những loại thuốc chống lại căn bệnh ung thư vẫn là một phần quan trọng trong cuộc đời cô, nhưng chỉ có vậy thôi, cô không còn yếu tố động lực nào khác. Cô thấy mình quanh đi quẩn lại chỉ làm chừng ấy việc hết tuần này sang tuần khác mà không hề có bất cứ cơ hội nào để nâng cao và phát triển kỹ năng của mình.

Càng ở vị trí này lâu, Lily càng nhận thấy ban quản lý hiếm khi trao đổi về những vấn đề mà nhân viên quan tâm. Đội ngũ trong phòng thí nghiệm luôn miệng ca thán về sự thiếu vắng các cơ hội thăng tiến trong công việc. Họ bị mắc kẹt vào vị trí hiện tại của mình như những con chuột trong phòng thí nghiệm. Lily mong ước có được cơ hội phát triển và làm những việc mới mẻ. Cô muốn có lại cảm giác đứng trước một công việc đầy thử thách. Thế mà trong nhiều tháng qua, công việc của cô chẳng mang lại được gì ngoài nỗi thất vọng.

Nhưng ngày hôm nay, mọi chuyện sẽ thay đổi: hôm nay Lily bắt đầu vị trí mới ở một công ty khác. Cô đã quyết định đổi việc cách đây sáu tuần, khi David, sếp cũ của cô, mời cô tham gia vào một công ty nhỏ mà anh thành lập. Trước đây, anh cũng rời bỏ công ty trước của cô vì thất vọng với đường hướng phát triển của công ty. Anh thuyết phục cô rằng công ty mới này sẽ giúp cô thực hiện những ý tưởng của mình bằng những cách thức mới mẻ và táo bạo.

Khi Lily lật tờ báo đến mục kinh doanh, cô bất chợt thoát khỏi dòng suy tưởng miên man. Một đồ thị lớn vẽ giá cổ phiếu đang rớt nhanh của công ty cũ trên trang báo đập ngay vào mắt cô. Lily liếc nhìn đồng hồ đeo tay, chụp lấy ly cà phê và vội vã đi ra cửa.

Năm đầu tiên Lily làm việc ở công ty mới giống như một ngày trôi qua trong thành phố lớn. Thật thú vị, có quá nhiều việc phải làm mà thời gian thì có giới hạn, thế nên cô đều cảm thấy mệt nhoài mỗi khi về tới nhà. Đúng như những gì David hứa, Lily có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của công ty. Cô nắm giữ vị trí quản lý phòng thí nghiệm, nơi sản xuất ra những loại thuốc chống ung thư mới và cô thường xuyên được mời tham gia vào các buổi họp của công ty về kế hoạch thử nghiệm thuốc trên người. Cô cảm thấy vinh dự khi được đóng góp ý kiến vào việc thử nghiệm này, vì chúng kiểm tra hiệu quả của những loại thuốc mới trong việc chữa trị bệnh ung thư. Quả thật, David đã mang lại cho Lily những cơ hội mà công ty cũ của cô không làm được.

Tuy nhiên, vào giữa năm làm việc thứ hai, mọi việc lại đi vào lối mòn. Đội ngũ trong phòng thí nghiệm dưới sự lãnh đạo của cô phối hợp với nhau rất ăn ý và các dự án được triển khai nhanh chóng, nhưng cô không tránh khỏi cảm giác nhàm chán. Cô tiếp tục được cấp trên tạo cơ hội đưa ra những đề xuất về việc thử nghiệm các loại thuốc mới trên người. Một vài lần, những kiến nghị của cô được thực hiện và cô cảm thấy rất vui. Nhưng các cuộc họp của công ty bắt đầu giống nhau kinh khủng. Cô chỉ được phép đóng góp ý kiến đến một mức độ nào đó về cách thức hoạt động của công ty. Kể cả khi kiến thức chuyên môn của cô trở nên sâu rộng hơn, những sáng kiến tốt nhất của cô vẫn bị bỏ xó. Lily rất thất vọng. Ban lãnh đạo đang làm những việc quan trọng, lên kế hoạch cho việc thử nghiệm thuốc, còn cô phải làm người giữ trẻ cho phòng thí nghiệm, nơi mà không có người chỉ huy vẫn có thể chạy tốt. Cô tiếp tục nghiên cứu về việc thử nghiệm thuốc và nghĩ ra những ý tưởng sáng tạo. Nhờ đó, cô có thể thấy rõ những lỗ hổng lớn trong quy trình thử nghiệm thuốc của công ty. David và những người quản lý khác do quá bận rộn với việc phát triển công ty mà bỏ lỡ những yếu tố quan trọng.

Thời gian trôi qua, Lily bắt đầu cảm thấy tiếng nói của mình không còn trọng lượng nữa. Mặc dù có nhiều quyền lực hơn bao giờ hết, nhưng cô không thấy vui vẻ gì khi cứ phải làm những việc mà cô đã quá thành thạo. Cô cảm thấy cấp trên không coi trọng mình khi không cho cô tham gia góp ý nhiều hơn về quy trình thử nghiệm thuốc. Cô biết rằng mình có khả năng làm được nhiều hơn là chỉ đơn thuần phụ trách phòng thí nghiệm, nhưng cô tự hỏi liệu cô có bị đánh giá là không biết trân trọng những gì mình có nếu cô mở miệng nói ra vấn đề này không. Trong hàng tháng trời, cô giữ im lặng và luôn có cảm giác ngột ngạt trong công việc. Mọi việc trở nên tồi tệ hơn khi cô nhận ra mình đang lâm vào tình cảnh chán ngán mà cô đã thoát khỏi vài năm về trước. Một lần nữa, Lily lại thất vọng với công việc của mình.

Trong suốt giai đoạn này, bất chấp tâm trạng u sầu mỗi khi đến công ty làm việc, Lily vẫn duy trì việc được David hỗ trợ và chỉ bảo. Mặc dù cực kỳ bận rộn và thỉnh thoảng có vẻ hơi xa cách nhưng anh không bao giờ nói “không” khi cô yêu cầu gặp mặt. Cô cảm thấy hối tiếc vì đã ngần ngại không dám nói lên những khúc mắc của mình trong công việc. Đã đến lúc phải thành thật với David và thử xem anh có giúp gì được cho cô không. Bởi thế, cô sắp xếp một buổi nói chuyện với anh và có đúng hai tuần lễ để chuẩn bị.

Sâu thẳm trong lòng, cô biết mình cần phải thay đổi một điều gì đó. Cô không muốn bị nhốt trong phòng thí nghiệm suốt đời, nhưng cô không thấy một vị trí rõ ràng nào phù hợp với những kỹ năng của cô trong công ty đang phát triển này. Lily quyết định rằng việc rời khỏi phòng thí nghiệm là ưu tiên hàng đầu của cô. Cô dành ra hai tuần tiếp theo để lấy can đảm giải thích hoàn cảnh của mình cho David hiểu. Cho dù cảm xúc của cô có chính đáng hay không, cô biết anh sẽ lắng nghe cô nói. Còn sự việc có thật sự thay đổi hay không thì lại là chuyện khác. Nếu David không đồng ý với cô thì cô cũng không chấp nhận việc mình bị cô lập trong phòng thí nghiệm.

Trong suốt buổi nói chuyện, Lily ngồi cứng đơ trên ghế. Cô hắng giọng và hồi hộp giải thích cho David hiểu những giới hạn của công việc hiện tại khiến cô chán nản. Cô nhanh chóng nhấn mạnh rằng cô rất yêu quý công ty và đánh giá cao cơ hội dành cho mình nhưng trong mấy tháng qua, cô cảm thấy ngột ngạt. Lily dừng lại một chút rồi nói với David rằng cô muốn chuyển ra khỏi phòng thí nghiệm. Sự im lặng bao trùm căn phòng. Trong một khoảng thời gian dài như vô tận, David không nói một lời nào. Anh ngồi yên trên ghế và có vẻ như đang nhìn xuyên thấu cô. Anh cảm thấy sốc và khá giận dữ khi nghe cô tâm sự. Anh vẫn nghĩ Lily đang có một vị trí tốt trong một công ty phát triển nhanh. Mức lương hiện tại của cô cao gấp hai lần mức lương ở công ty cũ.

Để phá vỡ không khí im lặng đến khó thở, Lily đặt bản báo cáo lên bàn của David. Vừa lật nhanh qua từng trang, cô vừa trình bày những điểm thiếu sót của công ty trong những cuộc thử nghiệm thuốc mới đây. Cô đề nghị cải thiện quy trình thử nghiệm thuốc vì những sai lầm như vậy làm công ty tốn kém rất nhiều. Cuối cùng, cô kết thúc bằng cách chỉ ra ba lỗ hổng lớn có thể khiến cho việc thử nghiệm thuốc của công ty thất bại sớm. Thông thường, một cuộc thử nghiệm thuốc thất bại sẽ ngốn của công ty hàng trăm ngàn đô. Lily có thể thấy rằng những điều cô nói có tác động mạnh đến David. Sau một khoảng thời gian im lặng như tra tấn nữa, anh nói rõ rằng anh không hề biết là cô không hài lòng với công việc của mình. Do tốc độ tăng trưởng quá nhanh của công ty mà anh không có thời gian trao đổi với cô nhiều như anh mong muốn. Anh cũng nói với cô rằng mặc dù bản báo cáo của cô rất ấn tượng nhưng anh không thể hứa hẹn điều gì. Việc cô có được chuyển sang vị trí giám sát quy trình thử nghiệm thuốc mới của công ty hay không phụ thuộc vào toàn bộ ban lãnh đạo.

Bây giờ đến lượt Lily trầm ngâm suy nghĩ. Có phải David vừa nhắc đến vị trí giám sát việc thử nghiệm thuốc của công ty? Quả thật, vài ngày sau đó, David trao đổi với những người còn lại trong ban lãnh đạo. Lily được phép thử công việc mới. Chỉ sáu tháng sau, Lily ngồi vào ghế giám đốc nhờ khả năng quản lý quy trình thử nghiệm thuốc hiệu quả của cô. Việc tăng lương thưởng cùng với phạm vi áp dụng kiến thức vào công việc khiến cô cảm thấy vô cùng mãn nguyện.

Lily còn nhớ mãi câu nói của David vào cuối buổi gặp mặt hôm đó. Anh nói rằng anh ngưỡng mộ lòng can đảm của cô khi dám tin vào cảm giác của mình và đối diện thẳng với vấn đề. Đó là nhận xét của một người đã rời bỏ công ty cũ với mức lương 250.000 đô/năm để thành lập công ty mới bằng số tiền dành dụm của mình.

Một thời gian sau, Lily phát hiện trí tuệ cảm xúc đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp cô giải quyết tình huống khó khăn vừa qua. Với sự giúp đỡ của một nhà cố vấn, cô xem xét lại sự việc này và phân tích xem mình đã làm những việc cụ thể gì để đạt được kết quả tốt đẹp nói trên. Nhà cố vấn chỉ ra cho cô thấy cô đã tận dụng cả bốn kỹ năng của trí tuệ cảm xúc, đó là: nhận thức về bản thân, làm chủ bản thân, nhận thức về xã hội và làm chủ các mối quan hệ. Như phần lớn những người có ý thức khám phá và tìm hiểu trí tuệ cảm xúc, Lily cảm thấy hứng thú với việc chia nhỏ trí tuệ cảm xúc của mình ra thành bốn phần riêng biệt. Khi kết hợp với nhau, bốn kỹ năng này xác định khả năng nhận biết và thấu hiểu cảm xúc cũng như khả năng sử dụng những am hiểu này để kiểm soát hành vi và các mối quan hệ của chúng ta. Mô hình về bốn kỹ năng trí tuệ cảm xúc được Daniel Goleman, Richard Boyatzis và Annie McKee giới thiệu vào năm 2002 trong quyển sách của họ, Kỹ Năng Lãnh Đạo Nền Tảng (Primal Leadership). Từ đó, người ta dùng mô hình này làm chuẩn mực để tìm hiểu và thảo luận về trí tuệ cảm xúc ngày nay. Do đó, trong suốt quyển sách mà bạn đang cầm trên tay đây, chúng tôi sẽ miêu tả trí tuệ cảm xúc bằng bốn thuật ngữ này. Cũng giống như Lily và nhiều người khác mà chúng tôi có cơ hội làm việc cùng, chúng tôi chắc chắn bạn sẽ nhận thấy bốn thành phần này đưa ra một định nghĩa chính xác về trí tuệ cảm xúc. Kết hợp lại với nhau, những kỹ năng này sẽ giúp bạn sở hữu phần còn lại của cuộc sống mà những người “thông minh” thông thường không thể nào có được.

Lily đã sử dụng kỹ năng đầu tiên của trí tuệ cảm xúc – nhận thức về bản thân – thông qua việc nhìn nhận tình huống một cách khách quan. Thật đau lòng khi cô nhận ra rằng cô lại thất vọng và mắc kẹt trong công việc mới y hệt như lúc cô còn làm ở công ty cũ. Một khi cô thừa nhận được điều này và dành thời gian tìm hiểu về cảm xúc của mình, cô có trong tay tất cả những thông tin cần thiết để thực hiện một sự thay đổi. Sau đó, Lily sử dụng nhận thức của mình về tình huống hiện tại để tạo động lực hành động cho bản thân.

Tiếp theo, cô dùng kỹ năng trí tuệ cảm xúc thứ hai – làm chủ bản thân – để lập một bản kế hoạch hợp lý rồi thực hiện nó. Cô phải hy sinh những giờ nghỉ ngơi buổi tối để viết bản báo cáo, rồi có những lúc cô đem lòng hoài nghi về chính bản thân mình, và cuối cùng là bước vào phòng nói chuyện với David. Tất cả những thử thách này, cô đều vượt qua được thông qua việc làm chủ cảm xúc. Cô đã hoàn thành tốt kế hoạch bằng cách giải quyết những cảm xúc tiêu cực mà cô gặp phải trong suốt đoạn đường và tiếp tục tiến về phía mục tiêu của mình.

Trong suốt hai tuần lễ chuẩn bị cho cuộc trao đổi với David, Lily dành thời gian thực tập kỹ năng trí tuệ cảm xúc thứ ba – nhận thức về xã hội – và cân nhắc mọi việc dưới góc nhìn của David. Nhờ vậy mà cô quyết định soạn ra một bản báo cáo công phu. Cô nhận ra rằng anh không thể nào đọc hết tất cả những suy nghĩ trong đầu cô – bất kể chúng có thuyết phục đến mức nào – nên cô phải tạo điều kiện để anh hiểu rõ những gì cô muốn nói.

Sau đó, cô dùng kỹ năng trí tuệ cảm xúc thứ tư – làm chủ các mối quan hệ – để đạt kết quả mong muốn. Cô biết rằng không một ai khác ngoại trừ David có thể giúp cô giải quyết việc này. Cô tin vào mối quan hệ giữa hai người và trực tiếp đến gặp anh để trình bày thẳng thắn về vấn đề của mình.

Khi Lily so sánh những việc cô đã làm trong hoàn cảnh này với những gì diễn ra trước đây trong quá khứ, cô nhận ra rằng việc cô áp dụng những kỹ năng trí tuệ cảm xúc có ảnh hưởng mạnh mẽ đến thành quả mà cô nhận được. Mặc dù lúc ấy, cô không hề biết rằng mình đang sử dụng các kỹ năng này, nhưng việc cô thành thật với những cảm xúc của chính mình, chuẩn bị cho buổi nói chuyện với David một cách chu đáo và tin tưởng vào mối quan hệ tốt đẹp bấy lâu nay giữa cô và anh đã giúp ích cho cô rất nhiều. Bên cạnh đó, cô cũng nghĩ đến bao nhiêu cơ hội mà cô đã bỏ lỡ, chỉ vì cô đã không hành động tương tự. Bằng cách khám phá trí tuệ cảm xúc của mình với sự giúp đỡ của nhà cố vấn, Lily học được cách xác định những kỹ năng này và phát huy chúng trong tương lai.

Bốn kỹ năng này kết hợp với nhau tạo thành trí tuệ cảm xúc. Hai kỹ năng phía trên, nhận thức về bản thân và làm chủ bản thân, nói về bản thân bạn nhiều hơn. Hai kỹ năng phía dưới, nhận thức về xã hội và làm chủ các mối quan hệ, chú trọng đến cách bạn tương tác với người khác.

[sach_thongminhcamxuc]