Nếu bạn đi du lịch cùng một người bạn, cô ấy háo hức muốn tham gia nhiều trò chơi thú vị, trong khi bạn lại chỉ muốn nghỉ xả hơi thì điều này có thể dẫn đến một trải nghiệm không vui cho cả hai người. Cô bạn thức dậy từ sớm tinh mơ, nôn nóng đi ngắm cảnh, còn bạn cứ từ từ, nhấm nháp bữa sáng trên giường, đọc báo, cuối cùng mới thả bộ dọc bãi biển hoặc những con phố trong thị trấn, ngó nghiêng mấy cửa tiệm, ngồi quán café, chẳng có gì vội vã. Thế thì, điều có thể xảy ra sau đó là, hoặc rốt cuộc cả hai không làm gì cả bởi ai cũng đều muốn tránh căng thẳng, hoặc một trong hai người phải “hy sinh” cho người kia, và không ai có được điều mình kỳ vọng trong chuyến đi. Bạn cảm thấy mình bị ép uổng còn cô ấy thấy bạn như kỳ đà cản mũi.

Khi trở về nhà, bạn nhận ra đó là một sai lầm tai hại, tình bạn giữa hai người đang ngấp nghé bờ vực; làm sao bạn có thể còn nghĩ là hai người hòa hợp được cơ chứ?

Đây chính là lúc bạn cần đứng từ góc nhìn của người khác (người thứ ba). Bạn hình dung lại những gì đã diễn ra trong chuyến đi chơi. Bạn ở đây, còn cô ấy thì ở kia; đây là bãi biển, quang cảnh thành phố. Điều gì không ổn? Bạn rút ra bài học gì?

Bạn xem lại đoạn phim chiếu cảnh hai người gượng ép vui vẻ với nhau, và cuối cùng bạn tự hỏi: Mình có còn mong muốn mục tiêu đó chăng? Mình có còn muốn đi du lịch với cô ấy vào năm tới không?

Không.

Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn đánh mất tình bạn giữa hai người. Bạn nhận ra rằng hai người có vài điểm khác biệt trong một số thời điểm (điều đó lý giải tại sao ngay từ đầu hai người có thể làm bạn tốt của nhau) và trong những kỳ nghỉ, tận hưởng những phút giây khác với sinh hoạt thường ngày, mỗi người lại muốn một thứ khác.

Như vậy vẫn tốt chán. Đừng đi du lịch cùng nhau nữa. Hãy nói với cô ấy rằng bạn thích được bầu bạn cùng cô ấy – trong cuộc sống thường ngày, hẹn hò nhau đi ăn, đi xem phim hoặc tán gẫu hàng giờ – nhưng bạn nghĩ sẽ tốt hơn nếu mỗi người đi nghỉ riêng.

Mục tiêu đã thay đổi; thông tin phản hồi từ thất bại của chuyến đi nghỉ mang đến những thông tin mới: tôi rất thích làm bạn với người này, nhưng tôi không muốn đi nghỉ cùng cô ấy.

Thông tin phản hồi giải phóng cuộc đời bạn, cho bạn nhiều lựa chọn hơn, cho phép bạn phá vỡ lối mòn phải làm những gì người khác muốn (đi du lịch cùng bạn bè), để rồi làm hỏng nó (người này làm phiền người kia; mỗi người một ý trong chuyến đi), và trách móc chính mình hoặc người khác. Lối mòn ấy có thể khiến tình bạn giữa hai người rạn nứt, trong khi đó chỉ cần nhìn lại chính mình (tách biệt với bản thân) là bạn có ngay thông tin phản hồi, giúp bạn trân trọng giữ gìn phần đáng quý trong mối quan hệ của hai người và bỏ đi những cái còn lại. Đừng vì cái không tốt mà bỏ luôn cái tốt.

Điểm quan trọng trong việc thay đổi hành vi của bạn ở tương lai là khả năng quan sát mình trong quá khứ, trở thành khán giả của chính mình trong suốt quá trình trải nghiệm ấy, thu thập những thông tin cho phép bạn chỉnh sửa, thay đổi, hoặc từ bỏ mục tiêu đã định trước đây.

Đứng từ góc nhìn của người khác giúp thay đổi quan điểm của bạn. Thay vì hòa mình vào trải nghiệm ấy, nhìn bằng mắt và nghe bằng đôi tai của chính mình, thì giờ đây bạn bước ra ngoài, là khán giả chứ không phải diễn viên. Bạn bước lùi lại để quan sát trải nghiệm từ một khoảng cách nhất định và khách quan hơn.

Đứng từ góc nhìn của người khác thật ra không có gì khác hơn việc trở thành người quan sát chính mình. Đừng lẫn lộn nó với cái mà các nhà tâm lý học gọi là “phân thân”, ý chỉ một người tách ra khỏi một trải nghiệm. Đó là một dạng bệnh tâm lý, và chắc chắn không liên quan gì đến những điều chúng ta đang bàn.

Đứng từ góc nhìn của người khác là kỹ năng nhìn và lắng nghe chính mình từ bên ngoài, như thể mình là một người ngoài cuộc. Đó là khả năng trở nên vô tư, khách quan, chỉ đơn giản ghi nhận hành vi mà không đưa ra bất cứ một nhận xét hoặc phán quyết nào. Đó là một vị trí vô cùng quan trọng để tìm ra cách giải quyết vấn đề. Và cũng dễ dàng nữa. Chắc hẳn bạn đã từng nhiều lần làm điều này một cách tự nhiên: lùi lại, nhìn mình từ một khoảng cách nào đó, quan sát mình với mức độ khách quan nhất định.

PHÁT HUY TIỀM NĂNG CÙNG NLP (2 tập)

Với quyển cẩm nang về trí não này, bạn sẽ học được một số kỹ thuật hiệu quả để điều khiển tâm trí chính mình và người khác, đồng thời “tái lập trình” bản thân. Ứng dụng NLP vào đời sống, bạn có thể làm mọi thứ bạn mơ ước, giải quyết những khó khăn, thay đổi thói quen và lật cuộc đời sang một trang khác. Bởi vì NLP tập trung giải quyết những vấn đề trước mắt, thay vì đào bới lại quá khứ, thế nên kết quả đạt được rất nhanh, có khi ngay lập tức, gần như một phép lạ!

MUA SÁCH